Tân Lập là xã thuộc huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị). Toàn xã hiện có 1.133 hộ với 4.746 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc Kinh, Vân Kiều sinh sống tại 8 thôn, bản. Theo ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, với nền kinh tế xuất phát điểm thấp, cộng với đời sống của đại đa số đồng bào các dân tộc trên địa bàn còn khó khăn nên khi thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, Tân Lập gặp không ít thách thức. Đặc biệt, do thói quen vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường của người dân còn nhiều hạn chế, lạc hậu, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân mà còn là rào cản trong việc thực hiện tiêu chí môi trường để về đích NTM.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, Tân Lập đã vượt qua nhiều “cửa ải” để “về đích”. Ngày 29/6/2018 vừa qua, xã đã long trọng tổ chức đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn NTM trong niềm phấn khởi của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.
“Điều đáng mừng nhất là bên cạnh các tiêu chí về phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội thì các chỉ tiêu để đánh giá công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn được nâng lên một bước. Cụ thể, hiện tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 80%, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 5,69%; 78,4% hộ dân sử dụng hố xí tự hoại, bán tự hoại và 92,24% hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, 4/8 thôn thu gom và xử lý rác thải đúng quy định”, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết.
Cũng như xã Tân Lập của huyện Hướng Hóa, nhiều địa phương thuộc khu vực miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống cũng đã vượt khó thành công để về đích NTM. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước đã có 3.160 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020, chiếm 35,4% tổng số xã trên cả nước. Những khu vực “vùng lõm” cũng đã có nhiều xã đạt chuẩn, như: miền núi phía Bắc có 341 xã, khu vực Tây Nguyên có 119 xã, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 358 xã,…
Theo đánh giá, với các địa phương miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống, việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM là rất khó khăn, nhất là tiêu chí về môi trường.
Để thay đổi nhận thức về vệ sinh môi trường của các tầng lớp nhân dân, thời gian qua, phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” được xem là “đòn bẩy”. Phong trào đã tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân và vệ sinh cộng đồng.
Đến hết năm 2017, theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt khoảng 67%, trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 94%. Kết quả này cũng góp phần nâng số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính đến ngày 29/1/2018, cả nước có 4.859 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, chiếm 54,4% tổng số xã, tăng 7,0% so với năm 2016.
Năm 2012 là năm đầu tiên ngành Y tế phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”. Phong trào nhằm tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các vấn đề như: vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh trong lao động...
KHÁNH THI