Thưa bà, bà có thể cho biết thực trạng nạn tảo hôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay?Theo báo cáo của các ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố; năm 2017 tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn xảy ra ở hầu hết các địa phương và chưa có xu hướng giảm. Toàn tỉnh hiện còn 3.062 trường hợp tảo hôn và 94 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tập trung chủ yếu ở đồng bào các DTTS, nhiều nhất là dân tộc Mông, Thái, Dao, Khơ Mú… Độ tuổi tảo hôn trung bình của nam từ 16, nữ từ 14 tuổi. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà còn gây ra nhiều hậu quả nặng nề đối với cá nhân và xã hội; làm gia tăng nhanh về số lượng, giảm chất lượng dân số, suy thoái giống nòi, gây khó khăn cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản người phụ nữ… Từ đó, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thời gian qua, Chính phủ đã có Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020”; Đề án này được thực hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên như thế nào, thưa bà?Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 928/QĐ-UBND ngày 29/9/2015 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020”. Trong đó tập trung chỉ đạo xây dựng, triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao.
Năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình điểm về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Chúng tôi đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức các Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 600 lượt cán bộ và đồng bào DTTS tại 5 xã thuộc 4 huyện: Điện Biên Đông, Mường Chà, Nậm Pồ và huyện Điện Biên. Các buổi tập huấn đã tập trung tuyên truyền về thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn; các quy định của pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Luật Hôn nhân và Gia đình và các văn bản có liên quan… Tuy nhiên, do là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020” nên chúng tôi mới chỉ triển khai một số nội dung tuyên truyền tại một số xã điểm, do đó hiệu quả chưa thực sự rõ nét. Năm 2017, do không có kinh phí nên không thể tổ chức các Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS.
Theo bà, trong thời gian tới, cần có giải pháp gì để việc triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020” trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt kết quả khả quan? Do đặc thù là tỉnh vùng cao, ĐBKK nên công tác tuyên truyền phải được triển khai sâu rộng. Cần tăng cường hiểu biết cho đồng bào về vấn đề này. Cần có giải pháp về nêu gương các điển hình tích cực và chưa tích cực trong phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Đề nghị Ủy ban Dân tộc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí để Điện Biên thực hiện Kế hoạch Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020”. Khi được bố trí kinh phí theo kế hoạch, Ban Dân tộc sẽ tập trung tuyên truyền sâu rộng không chỉ trong vùng đồng bào DTTS mà còn mở rộng ra các trường dân tộc nội trú, dự kiến sẽ in 3.000 tờ rơi bằng tiếng dân tộc để phát cho đồng bào DTTS trong mỗi lần tập huấn.
Chúng tôi cũng mong rằng mỗi dân tộc, mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng hãy tăng cường việc tự bảo vệ, tự nâng cao nhận thức, tự vận động để vươn lên. Tăng cường việc phát triển các giá trị truyền thống, tiếp thu các yếu tố tích cực của văn hóa mới, lấy văn hóa truyền thống của dân tộc làm nền tảng để phát huy mặt mạnh, triệt tiêu mặt yếu.
Xin cảm ơn bà!
MINH THU ( THỰC HIỆN )