Không “đao to búa lớn” nhưng vẫn cuốn hút
Phim truyền hình là “món ăn” không thể thiếu trong đời sống hiện đại và sự đa dạng của “thực đơn” là nhu cầu thiết yếu của đông đảo công chúng. Chính dòng phim khai thác đề tài nông thôn đã và đang góp phần làm nên sự phong phú ấy. So với những phim lấy bối cảnh thành thị, các phim truyền hình về đề tài nông thôn lại có lợi thế riêng để thu hút người xem. Cùng với đó, khán giả Việt vẫn thích thú khám phá những câu chuyện của người dân làng quê, nên dòng đề tài này dễ dàng hút khách hơn. Chính sự khác biệt về bối cảnh, câu chuyện, nhân vật… đã tạo được những điểm nhấn đậm nét cho phim.
Dòng phim nông thôn trên màn ảnh nhỏ từng làm mưa làm gió những năm 2000 với các tác phẩm để đời như Sóng ở đáy sông, Đất và người, Người thổi tù và hàng tổng, Ma làng, Gió làng Kình… Sau đó, đề tài này vắng bóng hẳn. Những năm gần đây, dòng phim này đã trở lại đầy mạnh mẽ với Cô gái nhà người ta, Thương nhớ ở ai, Mùa xuân ở lại... và dần tìm lại được hào quang xưa.
Mở đầu cho năm 2022, bộ phim Phố trong làng dù có nội dung đề cập đến cuộc chiến phòng, chống tệ nạn xã hội ở nông thôn, nghe thì có vẻ khô khan, nhưng phim lại thu hút với nhiều tình tiết gay cấn, phản ánh cuộc sống chân thật cùng với những mặt trái của nông thôn thời đổi mới. Xem Phố trong làng, khán giả không khỏi bất ngờ với cách xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an, nhưng không phải theo cách “đao to búa lớn” với những vụ án kịch tính như dòng phim hình sự, mà thay vào đó là những vụ việc rất đời thường để làm bật lên tính thời sự nóng hổi.
Ở thời điểm phim lên sóng, theo thống kê của Kantar Media về 10 chương trình truyền hình được xem nhiều nhất trên cả nước, vị trí nhất và nhì bảng lần lượt thuộc về Phố trong làng và Lối về miền hoa, đều là các phim về đề tài nông thôn.
Khác với không khí có phần nghiêm túc của Phố trong làng, phim Lối về miền hoa hài hước hơn khi nói về thanh xuân của những người trẻ nơi vùng quê. Bộ phim có nội dung xoay quanh nhóm bạn trẻ lớn lên ở một làng hoa và câu chuyện trưởng thành của họ. Ngay từ những tập đầu tiên, Lối về miền hoa đã gây chú ý bởi những tình huống hài hước, lời thoại bắt trend, cùng diễn xuất ăn ý của ba diễn viên nam chính: Trọng Lân (vai Lợi), Đức Anh (vai Linh), Mạnh Quân (vai Bão).
Ở những tập tiếp theo, các tình tiết dí dỏm, hài hước nhưng chân thật, gần gũi xoay quanh tuổi thanh xuân rạng ngời, chuyện tình yêu, lập nghiệp, trưởng thành dần của các nhân vật càng “hút” khán giả hơn nữa. Diễn xuất tốt của dàn diễn viên cùng phần lời thoại mang đậm hơi thở cuộc sống hiện đại, phù hợp với tuổi trẻ nông thôn hiện nay cũng là lợi thế để phim mang về lượng rating cao ngất ngưởng.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, không phải bộ phim về đề tài nông thôn nào cũng có thể “làm mưa làm gió” khi chỉ sai sót một chút là nhanh chóng bị phê phán, thậm chí là tẩy chay. Đó cũng là lý do khiến nhiều nhà làm phim e ngại khi làm về dòng phim này. Bởi lẽ làm phim về thời xưa và nông thôn không hề đơn giản, chi phí cho phục trang, đạo cụ, bối cảnh đều rất tốn kém. Nếu như trước đây, để không phải mất nhiều công xử lý dây điện, đường bê tông… đoàn làm phim Tơ hồng vương vấn của TFS đã huy động hơn 100 diễn viên quần chúng, thuê những chiếc xe cổ và xe ngựa để tái dựng hẳn một bối cảnh chợ xưa có kẻ bán, người mua, xe cộ đi lại… trong phim trường Hòa Phú ở Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.
Hay câu chuyện của phim Mộng phù hoa, cả đoàn đã phải lùng sục khắp nơi để tìm những dấu vết xưa và góp nhặt từng chút một, từ những căn biệt thự thời Pháp ở Đà Lạt, những làng quê xa xôi ở các tỉnh Nam Bộ như Đồng Tháp, Bình Dương. Thậm chí, họ còn tái dựng hẳn một khu phố người Hoa với bối cảnh đường phố Chợ Lớn thế kỷ trước. Do không đủ kinh phí đầu tư kỹ xảo, hầu hết các phim đề tài xưa và nông thôn vẫn phải tận dụng không gian thật từ các kiến trúc cũ, nhà cổ, đình chùa… và hạn chế quay cảnh ngoại, đại cảnh, chỉ tập trung vào cảnh nội. Điều này sẽ phần nào làm giảm đi tính chân thật, cũng như khó mang đến được cái nhìn tổng quát cho người xem.
Có một cái khó nữa là nhắc đến phim về nông thôn đó chính là kịch bản. Bởi lẽ kịch bản vừa phải giữ được đặc trưng của làng quê, vừa phải cập nhật xu hướng hiện đại, cùng cách xây dựng câu chuyện sao cho gần gũi với cuộc sống nông thôn mới ngày nay. Thế nhưng, đa phần các nhà biên kịch hiện tại đã quen với việc viết kịch bản mang tính giải trí thiên về chuyện tình yêu, gia đình, các chuỗi “drama” trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu... Ngay cả diễn viên hay các đạo diễn trẻ cũng ngại va chạm hay đi thực tế để tìm hiểu kỹ về cuộc sống nông thôn để mà diễn xuất hoặc làm phim cho đề tài này. Chính vì thế, để phim đề tài nông thôn có những bước tiến dài hơi, thì việc đầu tư thêm cho những kịch bản bám sát hiện thực, tâm tư tình cảm của người nông dân là điều cần thiết.
Nếu các nhà đài giải quyết được mấu chốt về bối cảnh, kịch bản thì phim truyền hình về đề tài nông thôn sẽ còn phủ sóng rộng khắp hơn nữa và tiếp tục trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của khán giả nhiều thế hệ, nhiều vùng miền trên khắp đất nước.