Hướng đi mới
Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Chư Sê đã phát triển được 700ha diện tích cây dược liệu như: Cà gai leo 54,7 ha; đinh lăng 83,84 ha; hà thủ ô 15,4 ha; đương quy 23 ha; gừng, nghệ 65 ha; cát cánh 10 ha... Ngoài ra, huyện còn tập trung đầu tư, sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quý như nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo...
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Chư Sê cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 5 công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực dược liệu, bao gồm HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Quang Minh, HTX Hoài Trương, HTX Đức Hiền, công ty Dược liệu Gia Định và Công ty Cà gai leo Hà Nội. Đến nay các công ty, doanh nghiệp HTX đã trồng được 120,4ha các loại cây dược liệu.
“Điển hình là HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Quang Minh đã hình thành mối liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu với với các hộ dân trên địa bàn huyện. Sản phẩm làm ra một phần được HTX làm nguyên liệu để chế biến, một phần liên kết với Công ty Cổ phần Traphaco để tiêu thụ. Đến nay, HTX đã được công nhận 4 loại cây đạt chứng chỉ GACP, bao gồm 7,2ha đinh lăng, 3ha đan sâm, 8ha hà thủ ô đỏ, 10ha cát cánh và trồng thử nghiệm thành công các loại độc hoạt, hoài sơn....”, ông Hợp cho biết thêm.
Không chỉ đi đầu trong việc tìm hướng đi mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các Công ty, HTX trồng dược liệu trên địa bàn huyện Chư Sê còn thu hút được rất nhiều lao động, đóng góp vào việc giải quyết vấn đề việc làm cho người dân trên địa bàn.
“Người dân khi chuyển đổi sang loại cây trồng này rất phấn khởi vì sản phẩm từ cây mang lại thu nhập tương đối cao, như cà gai leo mang lại 100 - 150 triệu đồng/năm/ha, hà thủ ô đỏ mang lại 400 - 500 triệu đồng/năm/ha. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để phát triển cây trồng này để tăng cao thu nhập, ổn định đời sống”.
Ông Nguyễn Hồng HàBí thư Huyện ủy Chư Sê
Bà Lưu Thị Tùy (làng Plong, xã Ia Hlốp) cho biết: "Thời gian qua do dịch bệnh, giá cà phê, tiêu thấp nên đời sống gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Từ khi tham gia vào HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Quang Minh, chúng tôi có thêm việc làm và thu nhập để trang trải cho gia đình. Mỗi tháng chúng tôi có thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng".
Tương tự, Công ty Dược liệu Gia Định cũng đã thu hút được rất nhiều nhân công trên địa bàn. Ông Chu Hoài Trung, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Dược liệu Gia Định tại Gia Lai cho biết: Hiện nay, Công ty có 210ha diện tích cây dược liệu, tập trung ở 3 xã Ia Lốp, Ia Ko và Ia Dreng (huyện Chư Pưh). Tùy theo giai đoạn mà công ty sẽ gieo trồng các loại dược liệu khác nhau như đinh lăng, cát cánh, đương quy, đẳng sâm, đan sâm, phòng phong, nghệ và hi thiêm.
Trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch Công ty đã thu hút được nhiều lao động trên địa bàn. Hiện nay lao động thường xuyên của công ty có 10 người với mức lương hằng tháng dao động từ 5,5 - 6 triệu đồng, hầu hết là người đồng bào DTTS. Còn với lao động thời vụ, trung bình 1 ngày công thường vào khoảng 170 - 220 ngàn đồng/ngày.
Xây dựng trung tâm dược liệu của tỉnh
Nhận thấy tiềm năng của cây dược liệu, Huyện ủy Chư Sê đã ban hành Nghị Quyết số 11-NQ/HU ngày 18/4/2019 về việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 trên địa bàn huyện. Trong đó xác định phát triển các loại cây dược liệu là mũi nhọn. Định hướng đến năm 2025, huyện sẽ phát triển được 1.000 - 1.200ha cây dược liệu các loại. Trong đó có khoảng 500ha được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Gia Lai.
Thực hiện đề án, huyện đã và đang triển khai dự án đầu tư trồng dược liệu ứng dụng công nghệ cao với diện tích 17,2ha, 20 hộ dân tham gia trồng cây cà gai leo và hà thủ ô đỏ với kinh phí 648 triệu đồng. HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh là đơn vị được lựa chọn để liên kết đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Dự án nhằm chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao cho người dân trên địa bàn; đồng thời, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Hồng Hà, Bí thư Huyện ủy Chư Sê cho biết: Trong thời gian qua, huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn định hướng tới 2025. Trong đó trọng tâm là phát triển cây dược liệu, chủ yếu các loại dược liệu có giá trị và thương mại trên địa bàn từ năm 2020 - 2025. Với mục tiêu ban đầu là từ 700 - 1.000ha và phát triển mở rộng lâu dài đến 3.000ha, tạo thành các vùng chuyên canh và sản xuất các loại giống dược liệu, phát triển thành trung tâm dược liệu của tỉnh. Thời gian qua, cùng với các xã, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn huyện Chư Sê đã phát triển trên 700ha sản phẩm cây dược liệu.