Tuy vẫn còn khó khăn về việc mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh, song nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, ý thức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã cải thiện đáng kể.
Dưới cái nắng nóng của những ngày tháng 5, chúng tôi có dịp đến thăm các bản làng huyện miền núi Nam Giang. Không khó để cảm nhận được sự vui mừng của bà con nhân dân khi có được những cơ sở y tế khang trang. Điều chúng tôi vui mừng hơn cả, ở các bản làng huyện Nam Giang hôm nay, bà con bị bệnh là đến Trạm Y tế xã hoặc Trung tâm Y tế huyện để khám, chữa bệnh. Qua lời kể của các y, bác sĩ và người dân nơi đây, nhiều năm gần đây, ở Nam Giang không có trường hợp phụ nữ tự sinh con tại nhà.
Xã biên giới La Dêê nằm cách trung tâm huyện hơn 50km. Ở xã vùng cao biên giới này, cuộc sống của bà con phần lớn dựa vào nông nghiệp. Nhân dân quanh năm với nương rẫy, cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng trên nhiều nóc nhà. Nhưng có lẽ cuộc sống mới đang dần hiển hiện khi cơ sở hạ tầng ngày một khang trang hơn. Đường bê tông đã và đang nối liền thôn xóm. Đặc biệt, công tác chăm sóc sức khỏe đã được bà con quan tâm hơn.
Trên tay bế bé Hiên Thị Mai Minh, 3 tuổi đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã La Dêê, chị Kring Loan, chia sẻ: Thấy cháu bị mẩm ngứa khắp người nên tôi đưa cháu đến Trạm Y tế khám. Các y, bác sĩ ở đây khám rất tận tình. Sau khi khám xong, cháu được cấp thuốc về nhà uống.
Tuy chưa hiện đại, khang trang như nhiều Trạm Y tế xã mới xây dựng, nhưng Trạm Y tế La Dêê rất gọn gàng, sạch sẽ. Giày dép của bệnh nhân đến khám, chữa bệnh đều được các y, bác sĩ hướng dẫn để bên ngoài cửa. Trang thiết bị được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Một môi trường y tế khá cởi mở, thân thiện…
Cũng sạch sẽ không kém, nhưng hiện đại, khang trang hơn, đó là Trạm Y tế xã Đắc Tôi được đầu tư xây dựng bằng ngân sách của huyện với 5 tỷ đồng và đưa vào sử dụng năm 2013. Theo bà Tơ Ngôl Thị Bích, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đắc Tôi, xã có gần 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. So với trước đây, ý thức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của bà con đã được nâng lên rõ rệt. Bà con bị bệnh đều đến cơ sở y tế chứ không cúng bái tại nhà. Bình quân mỗi tháng, Trạm Y tế xã tiếp nhận khoảng 400-500 lượt người vào khám, chữa bệnh tại Trạm. Có Trạm y tế mới bà con phấn khởi lắm, nhất là những người già và trẻ nhỏ. Họ có chỗ để nằm nghỉ ngơi, lưu trú...
Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết: Theo phân cấp, các Trạm Y tế xã thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của Sở Y tế. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy các Trạm Y tế xã thiếu thốn, xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong khi chờ ngân sách của Trung ương, của tỉnh rất khó khăn, nên huyện đã cố gắng bố trí từ các nguồn để đầu tư xây dựng các Trạm Y tế xã. Bằng nguồn ngân sách của huyện, từ năm 2013, Trạm Y tế xã Đắc Tôi, Tà Bhing, Tà Pơơ lần lượt được xây mới. Năm 2017, Trạm Y tế xã Đắc Pre tiếp tục được xây dựng. Mỗi Trạm Y tế, Trung tâm Y tế được đầu tư 4-5 tỷ đồng. Những Trạm Y tế mới được xây dựng với quy mô lớn, hiện đại, thông thoáng với trên 10 phòng chức năng để cho bệnh nhân có chỗ điều trị. Đồng thời, huyện đã đầu tư trên 3 tỷ đồng trang bị thêm cơ sở vật chất cho Trung tâm Y tế huyện.
Chia sẻ cùng chúng tôi, ông Tơ Ngôl Vui, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang cho biết: Là một huyện miền núi khó khăn, dân số hầu hết là người dân tộc thiểu số thì việc đầu tư cho công tác khám, chữa bệnh là hết sức cần thiết. Có được cơ sở y tế khang trang để phục vụ nhân dân là điều mong muốn từ lâu của các y, bác sĩ nơi đây. Huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các Trạm y tế nhưng các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh vẫn còn thiếu thốn nhiều. Chúng tôi rất mong muốn Trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí, mua sắm trang thiết bị để các Trạm Y tế xã phục vụ bà con được tốt hơn.
Có thể thấy, đối với một huyện miền núi nghèo như Nam Giang thì việc đầu tư 20 tỷ đồng để xây dựng các Trạm Y tế xã là rất khó khăn. Nhưng trước sự cần thiết trong công tác khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, nên chính quyền địa phương đã cố gắng xây dựng. Đó là việc làm đầy tâm huyết, sáng tạo và giàu tính nhân văn của chính quyền huyện Nam Giang.
THANH HUYỀN