Thông tin tại buổi Tọa đàm “Chính sách dân tộc-Thành tựu và vấn đề đặt ra” do Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 18/12 cho thấy, trong năm 2017, các chính sách dân tộc, an sinh xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, giúp đồng bào yên tâm sản xuất, tham gia phát triển kinh tế địa phương. Hiện vùng DTTS và miền núi nước ta đã có 98% số xã có đường ô-tô đến trung tâm; 98,5% số xã có trạm y tế; 94% số xã có điện lưới quốc gia; 90% số xã được phủ sóng, phát thanh truyền hình; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 92% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia...
Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS liên tục tăng; Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, vùng đồng bào DTTS đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn những gia đình tỷ phú. Như trường hợp ông Chang Váng Sinh, dân tộc Hà Nhì, từng là một hộ nghèo ở bản Tá Miếu, xã biên giới Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên). Được hỗ trợ bò sinh sản từ Chương trình 135, cùng với quyết tâm thoát nghèo, hiện gia đình ông đã có trong tay 200 con trâu, bò; nếu tính giá 20 triệu đồng/con thì ông cũng sở hữu 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Sinh còn giúp nhiều gia đình người Hà Nhì ở Tá Miếu thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Cũng như ông Sinh, năm 2017 chứng kiến những cái tên người DTTS là doanh nhân, người sản xuất kinh doanh giỏi được xướng tên tại Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc lần thứ Nhất năm 2017 được tổ chức ngày 19/12/2017. Đó là bà Chu Thị Xuân, dân tộc Tày (Cao Bằng); bà Mai Thị Hợp, dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên-Huế); bà Hồ Thị Diên, dân tộc Cor (Quảng Ngãi); ông Điểu Mun, dân tộc Xtiêng (Bình Phước); ông Sơn Hoàng Khol, dân tộc Khmer (Cà Mau)…
Rõ ràng, tuy chưa có những “bứt phá” mạnh mẽ nhưng năm 2017, vùng DTTS và miền núi đã có những bước phát triển chắc chắn; thể hiện rõ nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%. Có được kết quả này, đầu tiên phải nói đến nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội từ các chính sách đã và đang triển khai trên địa bàn.
Năm 2017, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương đã nỗ lực triển khai có hiệu quả nhiều chính sách dân tộc. Nếu như năm 2016, tổng số vốn đầu tư triển khai các dự án, đề án, chương trình là trên 7.356 tỷ đồng thì năm 2017 đã tăng 27%. Trong đó, Chương trình 135 trong 2 năm 2016-2017 đã bố trí được 7.812 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn theo kế hoạch trung hạn 2016-2020.
Tuy nhiên, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định trước Quốc hội chiều ngày 18/11, do điều kiện tự nhiên khó khăn, xuất phát điểm thấp, công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều thách thức. Trên 30% hộ DTTS còn là hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS và miền núi chỉ bằng 44% bình quân chung cả nước.
Hơn nữa, thiên tai, dịch bệnh cuối năm 2016 và trong cả năm 2017 đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của đồng bào DTTS số ở mọi vùng miền trên cả nước, nhất là cơn bão số 7, số 8 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho đồng bào DTTS các tỉnh phía Bắc.
Chính bởi vậy, tiếp tục triển khai chính sách đầu tư, hỗ trợ để đồng bào chủ động vươn lên là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Để thực hiện có hiệu quả thì mấu chốt là các chương trình, chính sách cần được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện.
Năm 2018, Ủy ban Dân tộc dự kiến, nhu cầu vốn thực hiện các chính sách dân tộc là 6.945 tỷ đồng. Nhưng cũng như năm 2017, trong điều kiện ngân sách hạn chế, việc bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách ở vùng DTTS và miền núi vẫn là một thách thức. Cụ thể, trừ Chương trình 135 hiện những chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý mới bố trí được 50% tổng kinh phí kế hoạch...
Có thể thấy, bước vào năm 2018 lĩnh vực công tác dân tộc phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ hệ thống các cơ quan làm công tác dân tộc sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vượt mọi khó khăn, thách thức hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra, góp phần từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng DTTS.
SỸ HÀO