Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi gặp mặt chức sắc các tôn giáo nhân dịp Lễ công bố thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo, ngày 01/3/2025, tại Hà NộiViệt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo với 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (tính đến tháng 5/2024). Hiện cả nước có gần 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 1/4 dân số. Trải qua chiều dài lịch sử dân tộc, các tôn giáo không chỉ đồng hành mà còn có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào các tôn giáo đã không quản ngại gian khổ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập, hòa bình của đất nước. Nhiều ngôi chùa, nhà thờ, cơ sở thờ tự đã trở thành căn cứ cách mạng, nơi nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Bên cạnh đó, nhiều phong trào đấu tranh chính trị của các tôn giáo cũng góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc. Nhiều chức sắc, tín đồ đã trở thành Anh hùng Lực lượng Vũ trang… đóng góp to lớn trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước.
Tại Đại hội lần thứ IX của Đảng năm 2001, văn kiện khẳng định: “Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá, nâng cao đời sống của đồng bào. Đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống tốt đời, đẹp đạo, phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của tôn giáo”.
Ngày nay, trong thời kỳ hòa bình và phát triển, các giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo tiếp tục là nền tảng quan trọng trong việc xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh. Các tôn giáo luôn tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Những hoạt động như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, khuyến học, khuyến tài… đều có sự chung tay của các tổ chức tôn giáo và tín đồ.
Trong công tác an sinh xã hội, các tổ chức tôn giáo luôn tiên phong hưởng ứng các chương trình do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Từ việc chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt, đến các hoạt động thiện nguyện như xây dựng nhà tình thương, cấp học bổng cho học sinh nghèo… tất cả đều thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao cả của các tôn giáo đối với cộng đồng.
Đặc biệt, với gần 27 triệu tín đồ, đây không chỉ là lực lượng đông đảo mà còn là nguồn nhân lực dồi dào, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, phát huy nguồn lực tôn giáo là một trong những chiến lược quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia.
Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. (Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung khảo sát nơi diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025)Nhận thức rõ vai trò quan trọng của tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong các kỳ Đại hội Đảng, điều này luôn được nhấn mạnh. Cụ thể, tại Đại hội lần thứ IX của Đảng năm 2001, văn kiện khẳng định: “Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá, nâng cao đời sống của đồng bào. Đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống tốt đời, đẹp đạo, phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của tôn giáo”.
Những quan điểm này tiếp tục được củng cố trong Đại hội XI và Đại hội XIII của Đảng với tinh thần phát huy tối đa những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, đồng thời khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động xã hội sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.