Hết lòng vì quê hương
Trong ngôi nhà nhỏ cách chiếc cầu An Mô không xa, lúc chúng tôi ghé thăm, ông Tiếp đang đánh trần cuốc đất trồng rau trước vườn nhà. Tuổi đã cao, tóc bạc trắng nhưng thần thái của ông vẫn tinh anh và khỏe khoắn. Đặt cán cuốc ngồi nghỉ ngơi giữa khu vườn xanh mát, ông dành thời gian tiếp chuyện.
Là người chiến sĩ kiên trung, bất khuất trong bom đạn chiến tranh, từng chết đi sống lại vì bom đạn và những đòn tra tấn khi bị địch bắt, trở về thời bình ông luôn trở thành hình mẫu “thương binh tàn nhưng không phế”, tận tâm với xóm làng. Sau Hiệp định Paris năm 1973, người dân trở về quê thì làng xóm điêu tàn, bom mìn dày đặc, ruộng đồng hoang hóa, thiếu thốn đủ bề… Thời điểm này ông được giao làm trưởng ban an ninh xã để ổn định xóm làng, đồng thời cùng phụ trách quản lý HTX. “Đó là thời điểm cực kỳ khó khăn, đặc biệt là về vấn đề thủy lợi, dọn dẹp bom mìn, giống má, phân bón, sức kéo... Anh em chúng tôi phải tìm cách đưa được nước về cho người dân khai hoang phục hóa ruộng đồng để sản xuất lúa nước, đảm bảo lương thực. Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm cao mà khó khăn dần dần qua đi”, ông Tiếp kể lại.
Thời điểm khó khăn ấy, suốt một thời gian dài không kể ngày đêm, ông Tiếp cùng với người dân trần mình, đổ mồ hôi sôi nước mắt, trực tiếp đào đắp kênh thủy lợi, làm kè cống để dẫn nguồn nước thủy lợi về đồng ruộng. Đến nỗi, đến bây giờ, người dân vẫn còn ghi nhớ công sức của ông và gọi tên nhiều công trình tại địa phương gắn với tên ông như “Mương Phạm Tiếp”, “Cống Phạm Tiếp”, “Đường Phạm Tiếp”…
Nay tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế nhưng ông vẫn mẫn cán với công tác xã hội tại địa phương như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi, Chi hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Y tế cộng đồng thôn bản… Phụ trách nhiều lĩnh vực như vậy, nhưng ông luôn để lại được nhiều dấu ấn, được hội viên, nhân dân hết sức tin tưởng, yêu mến bởi sự nhiệt huyết, mẫn cán, sự sáng tạo dường như không vơi cạn của mình.
Chữa bệnh miễn phí cho dân làngMột điều đặc biệt về ông, đó là việc hàng chục năm nay, người dân hết sức tin tưởng ông khi ông đã cứu chữa miễn phí cho rất nhiều người bệnh (ông từng học quân y và làm y tá). Bệnh nhân tìm đến với các loại bệnh thông thường như: Đau bụng, tiêu chảy, sốt cao, ho, mụn nhọt, nhức đầu, viêm cơ … đều được ông khám, chữa bệnh, băng bó, tiêm, truyền hoàn toàn miễn phí, chỉ lấy tiền thuốc. Mọi người cảm mến xem ông như là y tá của làng.
Dù sức khỏe yếu, mắt kém, vết thương chiến tranh thường hành hạ, nhưng hễ có bệnh nhân cần đến mình là bất kể ngày đêm ông đều đạp xe lặn lội đến thăm khám. Ông Lê Sỹ Hùng, 83 tuổi ở thôn Tân Định, xã Triệu Long cho biết: “Cứ mỗi lần đau ốm là tôi lại nhờ ông Tiếp qua xem. Biết ông vất vả, tôi trả tiền công nhưng lần nào ông ấy cũng không nhận. Mà không riêng tôi, ông đều khám bệnh miễn phí cho bà con dân làng”.
“Tôi chưa thấy ai có tấm lòng tốt, nhân nghĩa như bác Tiếp. Ở địa phương này, bác ấy như một ông bụt sống, luôn sống hết trách nhiệm với bà con, cộng đồng, làm những việc bình dị đời thường mà cao quý. Ở đây khó có thể kể hết công lao của bác Tiếp, người dân như chúng tôi chỉ biết hết mực cảm phục, trân trọng những đóng góp thầm lặng của bác ấy”, bà Nguyễn Thị Hợi, thôn An Mô chia sẻ.
LÊ ĐỨC VIỆT