Mô hình hiệu quảBa Tơ là huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi tiên phong trong NTTS với mô hình nuôi cá lồng bè và mô hình NTTS tự quản. Hơn hai năm qua, người dân thôn Đá Chát, Hương Chiêng, Núi Ngang, xã Ba Liên, huyện Ba Tơ luôn xem hồ Núi Ngang là “nguồn sống”. Bởi thủy sản trong hồ ngoài cải thiện bữa ăn hằng ngày, còn là nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân.
Trong khi đó, mô hình nuôi cá nước ngọt bằng lồng bè ở hồ Nước Trong của bà con xã Trà Xinh (Tây Trà) cũng được xem là khá triển vọng. Bởi địa thế, nguồn nước sạch, việc thả nuôi cá sẽ phát triển tốt. Điển hình như gia đình anh Hồ Văn Hoa, thôn Trà Kem, xã Trà Xinh là một trong những hộ được hỗ trợ nuôi cá lồng bè tại hồ chứa nước Nước Trong. Anh Hoa được chính quyền hỗ trợ kinh phí làm lồng bè, cá giống, thức ăn. Một bè có khoảng 4-6 lồng nuôi cá, lồng được làm bằng sắt hoặc gỗ, bè có kinh phí từ 80-100 triệu đồng. Mỗi lồng thả nuôi khoảng từ 2.500-3.500 con cá tùy loại.
Gia đình anh Hoa hiện có 4 lồng nuôi với 2 loại cá trê và diêu hồng, khoảng 12.000 con cá giống. Sau 3 tháng nuôi, hiện nay, cá trê có trọng lượng trung bình đạt 0,6kg/con; cá diêu hồng khoảng 0,4kg/con. Bình quân một năm, anh Hoa thu hoạch 2 đợt cá thịt, với giá từ 60-70.000 đồng/kg, anh đã thu về hàng trăm triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi lồng cá anh thu lãi từ 20-30 triệu đồng.
Anh Hoa chia sẻ: Trước đây, anh chỉ trồng lúa, keo, quế… Khi được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí để nuôi cá lồng bè, anh mạnh dạn thử sức. Qua 2 năm nuôi cá, hiệu quả kinh tế mang lại đã giúp gia đình anh ổn định cuộc sống.
Mô hình nuôi cá lồng bè ở hồ chứa nước Nước Trong bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, thu hút nhiều hộ dân tự làm lồng bè nuôi cá. Đến tháng 5/2018, toàn xã có 11 bè với hơn 40 lồng. Các hộ nuôi đều được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên tỷ lệ cá sống cao.
Trong khi đó, mô hình nuôi cá tầm ở Sơn Tây được xem là đột phá bởi sự quyết tâm cao của chính quyền huyện. Những con cá từ vài lạng, sau thời gian chăm sóc đã đạt trọng lượng từ 2-4kg. Thậm chí nhiều con đạt trọng lượng gần 10kg. Anh Đinh Thế Lập, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển (NN&PTNT) huyện Sơn Tây cho hay: Qua thời gian triển khai, có thể đánh giá điều kiện khí hậu, nguồn nước ở địa phương phù hợp với cá tầm nên chúng phát triển tốt, lớn nhanh và ít bệnh.
Khó nhân rộng
Mặc dù những mô hình NTTS ở các huyện miền núi là khá ấn tượng, nhưng khi nhân rộng thì lại gặp khó. Hiện nay, hầu hết các mô hình đều thực hiện chủ yếu theo hình thức quảng canh và thu hoạch “đánh tỉa, thả bù”. Thủy sản nước ngọt chủ yếu được nuôi với quy mô nhỏ lẻ, không tập trung dẫn đến tiêu thụ khó khăn.
Cái khó đầu tiên trong việc nhân rộng mô hình NTTS ở miền núi đó là nguồn vốn đầu tư làm lồng bè và áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi đại trà. Hiện nay mỗi bè NTTS phải đầu tư từ 80- 100 triệu đồng, chưa kể tiền thức ăn. Điều này không phải người dân nào cũng có khả năng để đầu tư. Anh Hồ Văn Lợt, ở Trà Xinh, Tây Trà cho hay, mình cũng muốn nuôi cá để có thu nhập nhưng vốn đầu tư lớn quá nên không làm được.
Một vấn đề khó khăn nữa là đầu ra cho sản phẩm. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Trà Huỳnh Thị Thanh Thúy cho biết: Khi thấy hiệu quả của mô hình nuôi cá lồng bè, chính quyền địa phương đã tính đến phương án vận động người dân mở rộng diện tích nuôi cá. Tuy nhiên, do đầu ra chưa ổn định nên chưa mạnh dạn nhân rộng. “Để đảm bảo thị trường tiêu thụ, địa phương khuyến khích bà con nuôi nhiều đợt, không tập trung thả nuôi cùng lúc để luôn có cá bán cho người tiêu dùng. Địa phương cũng đang liên hệ với các nhà hàng, công ty nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chăn nuôi”, bà Thúy cho biết thêm.
Theo lãnh đạo Sở NN & PTNT Quảng Ngãi, ngoài những khó khăn trên thì việc triển khai thực hiện ở cơ sở đôi khi không được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương chưa xem đó là phương án giảm nghèo hiệu quả, dẫn đến thí điểm thành công, nhưng nhân rộng lại thất bại