Năm 1993, bà Hương cùng gia đình rời tỉnh Hòa Bình vào làm kinh tế mới ở xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi. Để có nền tảng kinh tế ban đầu, gia đình bà Hương đã ra sức khai hoang được 2ha đất trồng lúa và xin giống mì của đồng bào DTTS về trồng.
Năm 1994, bà Hương cùng một thanh niên trong thôn đã bén duyên trở thành vợ chồng. Họ lần lượt sinh 2 người con, cùng chung ý chí quyết tâm làm giàu. Khi cưới nhau, 2 bên gia đình cho 6 bao lúa làm quà, bà Hương đã bàn với chồng bán đi để mua một cặp heo giống.
Bà Hương chủ động học hỏi kinh nghiệm nuôi heo từ các hộ khác ở địa phương, đồng thời làm chuồng trại nuôi nhốt để hạn chế bệnh tật. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn heo sinh trưởng tốt, trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình trong suốt nhiều năm qua.
Sau nhiều năm nỗ lực, phấn đấu, bà Hương đã có của ăn, của để với thu nhập bình quân mỗi năm đạt 200 triệu đồng từ cây mắc ca, cà phê, cao su và chăn nuôi.
Năm 2010, thấy bà Hương nhiệt tình, năng nổ, các chị em trong thôn đã tín nhiệm bầu bà làm Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ. Đến năm 2014, bà Hương được bầu làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn.
Bà Hương chia sẻ: Giữ một lúc 2 vai, bản thân khá áp lực và bận rộn. Thời gian đầu, tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì trong thôn có nhiều người lớn tuổi khó tính. Tuy nhiên, để người dân nghe và làm theo, tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành của thôn để tuyên truyền, vận động người dân tại các buổi họp thôn. Đối với các hộ đi vắng, tôi đến tận ngõ, gõ tận cửa để tuyên truyền, vận động người dân. Từ đó, người dân trong thôn luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bà Hương kể, trước đây bà con người Mường nơi đây thường rất tin vào tục “cầm vía”. Hễ gia đình nào có người đau ốm, hay gặp những chuyện xui trong cuộc sống là họ lại tìm đến thầy cúng để thực hiện các nghi thức lễ cúng gây lãng phí và tốn kém. Sau một thời gian phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, bà con nơi đây đã nâng cao nhận thức, đẩy lùi được hủ tục này. Mỗi lần đau ốm, bà con đến bệnh viện, trạm xá để khám và lấy thuốc.
Cùng với việc đẩy lùi các hủ tục, bà Hương còn vận động các hội viên phụ nữ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, giáo dục con cái thật tốt. Đến nay, đa số con em trong thôn đều được đến trường học tập đầy đủ.
Thấy bà Hương gần gũi, sâu sát, có uy tín với người dân trong thôn, năm 2017, các đảng viên trong Chi bộ đã tín nhiệm bầu bà giữ chức Bí thư Chi bộ. Sau đó, người dân trong thôn tiếp tục tín nhiệm bầu bà làm Trưởng thôn. Trên cương vị mới, bà Hương lãnh đạo, chỉ đạo giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, thôn Hòa Bình đạt thôn nông thôn mới.
Ngoài ra, bà Hương còn là hạt nhân liên kết các hộ dân trong thôn cùng chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Như việc sưu tầm các vật dụng truyền thống của người Mường trưng bày tại nhà văn hóa thôn; thành lập nhóm duy trì nghề đan lát và đội chiêng nữ dân tộc Mường để biểu diễn tại các lễ hội.
Ông Ngô Tấn Quyết, Chủ tịch UBND xã Đăk Kan cho biết: Bà Đinh Thị Hương là một trong những cán bộ thôn gương mẫu, tận tụy, là “cầu nối” giữa người dân và chính quyền địa phương. Bà Hương đã góp phần giúp bà con nâng cao nhận thức, đẩy lùi các hủ tục; là tấm gương làm kinh tế giỏi, điển hình trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ đó giúp bà con trong thôn học hỏi, phát triển kinh tế gia đình.