Tiếc nhưng vẫn phải chặt bỏ
Năm 2017, hộ gia đình anh Phạm Tiến Lữ ở thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng tiên phong trồng 2ha cây sả để cung cấp nguyên liệu nấu tinh dầu. Theo anh Lữ, trồng sả không đòi hỏi kỹ thuật và công chăm sóc quá nhiều, nhưng lại cho thu nhập gấp 3 - 4 lần so với cây ngô, lúa.
Tuy nhiên, từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ tinh dầu sả gặp nhiều khó khăn, nên các xưởng chiết xuất tinh dầu cũng không thu mua cây sả nguyên liệu, hoặc mua với giá rất thấp, không đủ tiền thuê nhân công nên dù rất tiếc, nhưng anh Lữ vẫn phải phá bỏ toàn bộ 2ha sả để trồng lại cây ngô và cây chuối.
“Không chỉ có gia đình tôi, mà hầu hết các hộ dân trồng sả trên địa bàn xã cũng đã đốt bỏ gần 20ha diện tích trồng sả trước đây, để trở về trồng ngô, hoặc lâu dài hơn thì trồng cây quế, cây chuối. Ai cũng tiếc, khi diện tích sả đang xanh tốt bạt ngàn mà phải phá bỏ”, anh Lữ tâm sự.
Hiện nay, toàn huyện Bảo Thắng trồng khoảng 90ha sả theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến tinh dầu. Tuy nhiên, do khó khăn đầu ra, nên bà con nông dân hoặc phá bỏ trồng cây khác, hoặc bỏ hoang không chăm sóc.
“Đây là cây trồng mới, ban đầu mang lại hiệu quả kinh tế hơn cây ngô và các cây trồng truyền thống khác. Tuy nhiên, nguồn đầu ra cho tinh dầu sả chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nên việc tiêu thụ khá bấp bênh. Huyện Bảo Thắng cũng đã nhiều lần khuyến cáo người dân, không mở rộng diện tích cây sả nếu không có ký kết tiêu thụ tinh dầu với đơn vị uy tín. Đây cũng là kinh nghiệm cho các địa phương trong huyện khi phát triển các vùng trồng cây nguyên liệu khác…”, ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Thắng chia sẻ.
Người trồng dâu nuôi tằm cũng lao đao
Trồng dâu nuôi tằm, là một trong những hướng đi mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bảo Yên. Đây là cây trồng mới, nhưng giá trị kinh tế mang lại cao, nên đã được bà con nông dân nhiều xã trong huyện hưởng ứng tham gia.
Tuy nhiên, bà con nông dân đều có chung phản ánh, những năm đầu triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm rất thuận lợi, cây dâu phát triển tốt, tằm sinh trưởng đúng chu kỳ, sản lượng kén bảo đảm, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Song những năm gần đây, nghề trồng dâu nuôi tằm liên tục gặp khó khăn, nhiều diện tích dâu bắt đầu xuất hiện sâu bệnh, các lứa tằm phát triển không đồng đều, một số bị chết khi chưa kịp lên kén khiến nông dân thiệt hại kinh tế. Ngay cả những hộ đầu tư nuôi tằm trong phòng lạnh cũng chưa thu được hiệu quả như mong đợi…
Theo ông Tô Manh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Lào Cai gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra. Riêng con tằm, đây là con vật nuôi mới, đòi hỏi kỹ thuật chăn nuôi cao hơn so với những giống nuôi khác.
"Tằm chết có thể do thức ăn bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật; cùng với đó 100% giống đều nhập từ Trung Quốc, nên chất lượng giống có thể chưa bảo đảm. Bên cạnh đó, do giá thành thu mua kén xuống thấp, người dân không mặn mà với việc chăm sóc nên ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất trong quá trình nuôi", ông Tiến chia sẻ.
Hay như cây sả, hiện nay do không bán được tinh dầu, nên các xưởng sản xuất cũng hạn chế thu mua nguyên liệu, khiến cho cây sả giá xuống thấp, nhiều hộ nông dân đã và đang phá bỏ để trồng các loại cây khác.
“Chúng tôi đang cùng với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay do giá thuê container để đóng và xuất hàng tăng gấp 5 lần so với trước thời điểm bùng phát dịch, nên rất nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của Lào Cai đang bị tồn đọng. Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai vẫn còn tồn 250 tấn hàng chưa xuất bán được…”, ông Tiến cho biết thêm.
Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống, trong đó, nông dân là những người yếu thế, nên dễ bị tổn thương nhất trong vòng xoáy này. Trước thực tế này, nông dân chỉ biết kỳ vọng vào những giải pháp của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, nhất là ngành Nông nghiệp đối với việc định hướng các cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương, đặc biệt là định hướng, kết nối thị trường đầu ra cho nông sản ổn định. Có như vậy, mới tránh được vòng luẩn quẩn “trồng rồi chặt rồi lại trồng” như lâu nay.