Từ chiếc dậu đến chiếc nón tre
Giữa lòng thành phố, ngôi nhà của ông Quan Văn Ơn tạo nét riêng với khoảng sân rộng phủ đầy nguyên liệu tre đan. Hình ảnh ông Ơn ngày ngày ngồi trước sân nhà cần mẫn đan nón trở nên quen thuộc với bà con nơi đây.
Chiếc nón tre do ông sáng tạo đoạt giải Nhì tại Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch và sáng tác biểu trưng, khẩu hiệu du lịch” năm 2018 do tỉnh tổ chức. Trong nhiều năm liền, tác phẩm được lựa chọn trưng bày, giới thiệu tại các gian hàng thủ công nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Quan Văn Ơn sinh ra và lớn lên ở miền quê Thượng Lâm (huyện Lâm Bình). Ông bảo rằng: “Ngày trước, khi còn nhỏ tôi đã mê đan lát. Cứ nhìn các bà, các mẹ đan, tôi lại thấy ngứa tay, muốn đến ngồi đan ngay. Nhưng vì còn nhỏ, mọi người sợ tôi bị đứt tay, sợ đôi tay cũng chưa đủ khéo léo để đan được. Thế nhưng có lần tôi mày mò bắt chước đan hoàn thành chiếc dậu, được mẹ khen, ủng hộ, thế là tôi càng có động lực để đan thêm nhiều đồ dùng sinh hoạt. Đúng là niềm đam mê nên làm cái này xong lại muốn mày mò đan cái khác…”.
Ngay từ khi đến với nghề đan, ông Ơn đã thể hiện sự khác biệt với kỹ năng học hỏi rất nhanh. Ông chỉ cần nhìn một lần là có thể biết bắt chước cách đan giống hệt. Bên cạnh đó, ông còn là người thợ có khả năng sáng tạo nhiều kiểu đan mới lạ để tạo ra những sản phẩm khác biệt.
Ông bảo rằng, nhiều sản phẩm đẹp nhưng không có độ bền, trong quá trình làm nghề, đó là điều ông băn khoăn nhất. Chiếc nón Tày truyền thống làm bằng lá chỉ được 1 thời gian ngắn là rách tả tơi, thế là ý tưởng đan nón bằng nan tre (nguyên liệu bền hơn lá) được ấp ủ ra đời.
Chiếc nón đan đặc biệt ở chỗ được ông chuyển đổi từ cách đan chiếc dậu. Chiếc dậu có 4 góc nhưng ông bỏ đi 3 góc, còn lại 1 góc rồi kéo dài ra sẽ tạo ra chiếc nón đẹp lại bền chắc. Nói qua thì nghe có vẻ dễ thế, nhưng nhìn ông Ơn cặm cụi làm có sự tính toán từ trục vẽ, từ từng chiếc khuôn thì mới thấy được sự kỳ công, sáng tạo của người đàn ông này. Chiếc nón vừa nhẹ, vừa đẹp, lại bền, nếu đội thường xuyên thì sau 4 - 5 năm mới hỏng. “Tiếng lành đồn xa”, chiếc nón ông Ơn được nhiều người tìm đến để được sở hữu. Suốt bao năm qua, ông còn tự gắn cho mình trọng trách “gieo nghề” cho bà con bản làng.
“Xởi lởi trời cho”…
Nhiều người biết đến ông Ơn là người thầy dạy nghề đan lát. Ông có thể đan được 52 sản phẩm đồ dùng vật dụng trong sinh hoạt từ tre, nứa, mây, giang. Không giấu nghề, bất kể ở đâu ông cũng đều sẵn sàng chỉ bảo nhiệt tình cho những ai đam mê với nghề truyền thống này… Nhiều năm liền, ông lần lượt được các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh mời tham gia giảng dạy tại các lớp tập huấn mây tre đan.
Thế nhưng điều đặc biệt nhiều người tìm đến nhà ông học nghề đan nón đều được ông dạy miễn phí. Ông bảo, đan chiếc nón này không khó, nhưng đòi hỏi người học phải đặt cả tấm lòng, tâm huyết để tập trung học. Làm dối, làm qua loa ở đâu thì không biết chứ đến với nghề đan phải thật tập trung, kiên nhẫn, không qua loa được, làm dối 1 lần, đan nhầm 1 lóng là coi như hỏng. Rèn nghề, rèn cả người là như vậy đó!
Ông Ơn nổi tiếng là người thật thà, thẳng tính. Nhiều học viên tìm đến ông nhưng học chểnh mảng, bị ông mắng, dỗi bỏ về quê, thế mà vài hôm lại lọ mọ đến nhà xin được học lại. Học viên trong tỉnh khá đông, có nhiều người làm nón lá ở Hải Dương, Thanh Hóa, Huế… cũng đến học nghề từ ông.
Trên sân nhà, những nan tre đều được xếp hàng ngay ngắn. Ông bảo: “Mình phải quý và nâng niu từ nguyên liệu đến từng lóng đan. Càng tỉ mỉ càng chi tiết thì mới thành công với nghề đan được. Bí quyết bắt đầu từ khâu lựa chọn loại tre và những kiêng cữ như không được chọn tre cụt ngọn, không chặt tre vào ngày mưa... đều được ông truyền nghề, cho đi một cách vô tư, xởi lởi với mọi người.
Ông cũng là người chịu khó mày mò nghiên cứu để mong hoàn thiện sản phẩm. Nếu như trước đây phải ngâm tẩm diêm sinh để làm trắng thanh tre và chống mối mọt, thì bây giờ, ông tìm ra cách làm đơn giản hơn, không phụ thuộc hóa chất. Đó là nguyên liệu sau khi sơ chế, ngay lập tức dội nước sôi theo đúng tỷ lệ, đúng thời gian, lặp lại nhiều lần sẽ tạo độ bền và độ trắng tự nhiên cho nguyên liệu.
Thêm một điều thú vị từ chiếc nón tre này đó là hơn 10 năm qua, giá vẫn không đổi, giao động từ 100 - 200 nghìn đồng/nón. Mỗi ngày ông có thể làm ra 1 sản phẩm, khách tìm đến khá đông, ông đan không kịp bán. Ông nhớ 5 chiếc nón đầu tiên ra nước ngoài là vào năm 2013. Khách hàng là Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam liên hệ mua tặng đồng nghiệp ở Đan Mạch. Tiếp đến là vợ chồng người Nga đi du lịch ở Tuyên Quang nhìn thấy chiếc nón tre độc đáo, lạ mắt được trưng bày ở Khách sạn Vạn Tuế (Tp. Tuyên Quang) thì đặt mua 10 chiếc về làm quà. Sau đó nhiều lần các thương lái trong nước đã tìm đến đặt mua mang sang Quảng Đông (Trung Quốc) bán.
Niềm vui của ông Ơn còn là nhiều học trò thành công với nghề. Chị Ma Thị Liễu, thôn Nà Khau, xã Minh Quang (Lâm Bình) cũng khăn gói xuống nhà ông học nghề rồi về truyền nghề cho bà con. Chị Liễu bảo, thầy Ơn rèn học trò lắm, đã học là phải chú tâm. Chị học hỏi được thầy nhiều mẫu mã cách đan. Hiện nay, chị cùng nhiều chị em thành lập Tổ hợp tác mây tre đan Nà Khau. Trung bình mỗi tháng, các thành viên trong tổ sản xuất được hơn 500 - 600 sản phẩm.
Gương mặt ông Ơn vui vẻ, rạng rỡ kể về nhiều học trò và những kỷ niệm. Nhiều người thắc mắc sao ông không nhận thù lao gì khi dạy. Ông bảo, trong đan lát thì mình phải cụ thể, tính toán từng chi tiết, cách lên nhịp nan, thế nhưng ngoài đời mình cứ xởi lởi, thoải mái trao đi. Có như vậy cái hay, cái đẹp của nghề mới được lan tỏa, lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đó là điều mà người nghệ nhân già như ông khao khát và mong muốn nhất.