Voọc mũi hếch là loài linh trưởng quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất thế giới bởi nạn săn bắt trái phép và môi trường sống bị thu hẹp do diện tích rừng bị tàn phá.
Năm 2002, khi phát hiện có quần thể Voọc mũi hếch khoảng 60 con tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Khau Ca (khu vực xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên và xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê), FFI đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Giang triển khai dự án quản lý, bảo vệ, phát triển Voọc mũi hếch.
Đến năm 2007, một quần thể Voọc mũi hếch khoảng 35 con được phát hiện tại khu rừng thuộc các xã Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài (khu Cao - Tả - Tùng), huyện Quản Bạ. Đây là quần thể Voọc mũi hếch thứ hai tại Hà Giang và có sự liên quan mật thiết đến quần thể Voọc mũi hếch ở Khau Ca.
Ông Chu Xuân Cảnh, cán bộ FFI phụ trách địa bàn Hà Giang cho biết: “Để bảo vệ và phát triển quần thể Voọc mũi hếch, dự án đã triển khai tổng thể các hoạt động bảo tồn tại tất cả các địa phương có quần thể Voọc mũi hếch sinh sống với các hoạt động chính là điều tra, bảo vệ, nâng cao nhận thức, hỗ trợ sinh kế cho người dân để giảm áp lực vào rừng”.
Nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân đang sinh sống ở ven rừng có quần thể Voọc mũi hếch. Theo đó, hằng năm, FFI phối hợp các địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng trong công tác bảo tồn Voọc mũi hếch. Cùng với đó là thực hiện hàng trăm biển báo các cỡ tại khu dân cư; phát tờ rơi tuyên truyền; phát hành lịch treo tường và tổ chức ký cam kết bảo vệ loài Voọc mũi hếch với người dân.
Từ công tác tuyên truyền, người dân ở các xã đã nâng cao ý thức bảo vệ, hạn chế những tác động ảnh hưởng đến môi trường sống của Voọc mũi hếch.
Trong công tác bảo vệ, FFI đã thành lập 6 tổ tuần rừng với tổng cộng 8 thành viên ở Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Khau Ca và Khu Cao - Tả - Tùng. Các thành viên là người dân địa phương, được FFI trả lương hàng tháng, đóng bảo hiểm đầy đủ nên đều có ý thức và trách nhiệm trong công việc.
Anh Đán Văn Khoán, thôn Nà Phầy, xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên, Tổ trưởng tuần rừng Khau Ca cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là tuần rừng và tuyên truyền cho người dân. Mỗi tháng, chúng tôi đi tuần khoảng 15 ngày theo tuyến đã quy định trong vùng lõi và ven rừng, nhằm ngăn chặn kịp thời người dân có các hoạt động làm tổn hại đến môi trường sống của Voọc mũi hếch. Từ ngày có hoạt động của tổ tuần rừng, tình trạng phá rừng, săn bắt thú và chăn thả gia súc trong rừng đã giảm hẳn, bảo đảm môi trường sống cho Voọc mũi hếch sinh trưởng, phát triển”.
Bên cạnh đó, FFI cũng đã có những hoạt động hỗ trợ nâng cao đời sống cho người dân như: Hỗ trợ bếp tiết kiệm, lò sấy thảo quả cải tiến để giảm tình trạng chặt cây rừng làm củi; hỗ trợ canh tác thảo quả bền vững; nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế khả thi tại các điểm, khu vực ưu tiên; thử nghiệm quỹ phát triển cộng đồng; hỗ trợ các nhóm sở thích vay vốn thực hiện các hoạt động phát triển sinh kế.
Ông Bùi Văn Đông, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho biết: “Những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ đã góp phần bảo tồn và phát triển quẩn thể Voọc mũi hếch ở Hà Giang. Những hoạt động của dự án cũng góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ môi trường sống cho các loài thực vật, động vật, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại diện tích rừng tự nhiên ở Hà Giang”.
Việc bảo tồn loài Voọc mũi hếch ở Hà Giang cũng đang có nhiều thách thức bởi nạn săn bắt trái phép vẫn còn; nạn phá rừng xảy ra thường xuyên; việc chăn thả gia súc trong rừng lây lan dịch bệnh; hoạt động khai thác khoáng sản.
Tại khu Cao - Tả - Tùng, huyện Quản Bạ, quần thể Voọc mũi hếch đang có sự suy giảm về số lượng. Theo ghi nhận của FFI, số cá thể voọc ở đây đang bị suy giảm mạnh, từ khoảng 35 con (năm 2007), nay chỉ còn khoảng 10 con, do các hoạt động của con người tác động đến môi trường sống của chúng.
Theo đó, tại khu vực này, người dân vẫn canh tác thảo quả dưới tán rừng già; tình trạng vào rừng săn bắt, hái lượm vẫn còn nhiều khiến môi trường sống của Voọc mũi hếch bị ảnh hưởng.
Do đó, để bảo vệ và phát triển Voọc mũi hếch, ngoài tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thì chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp để nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt là người dân sống ven các khu rừng có loài Voọc mũi hếch sinh sống. Bên cạnh đó, tổ chức FFI đang hỗ trợ thúc đẩy để giúp nâng cao mức độ bảo vệ cho các hệ sinh thái còn lại ở đây đối với quần thể Voọc mũi hếch tại Cao - Tả - Tùng.
Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Vườn Quốc gia Du Già – Cao nguyên đá Đồng Văn trên cơ sở sáp nhập Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già với Khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Khau Ca, phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt là hơn 11 nghìn ha.
Nhờ đó, việc bảo tồn loài Voọc mũi hếch tại Khau Ca được thực hiện tốt hơn, do có sự tăng cường về nhân lực và được bảo vệ nghiêm ngặt.
Do đó, để bảo vệ đàn Voọc mũi hếch ở Quản Bạ, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh Hà Giang cần nhanh chóng xúc tiến đưa diện tích rừng khu Cao - Tả - Tùng, huyện Quản Bạ sáp nhập vào Vườn Quốc gia Du Già để tăng thêm nguồn lực, con người và hành lang pháp lý trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn các loài sinh thực vật, trong đó có Voọc mũi hếch.
Hiện nay, FFI cũng đang phối hợp với tỉnh Hà Giang xây dựng kế hoạch bảo tồn Voọc mũi hếch giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với những giải pháp căn cơ, lâu dài.
Kế hoạch hành động bảo tồn loài này sẽ được trình các cơ quan chuyên môn của tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt và đưa vào triển khai để bảo tồn hiệu quả đối với loài Voọc mũi hếch./.