Dấu chân thời gian trên con đèo cổ
Con đường xuyên qua đèo Hải Vân mà ta vẫn đi ngày nay, thực ra đã được người Pháp xây dựng từ thời thuộc địa. Tuyến quốc lộ ấy đã hiện diện hơn trăm năm, đi qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, vậy mà dường như vẫn còn láng bóng, bám chặt vào triền núi. Trước khi có hầm đường bộ Hải Vân, đây từng là tuyến độc đạo nối liền hai miền đất nước, chứng kiến bao phận người xuôi ngược.
Ngạc nhiên là dẫu hiểm trở nhưng đèo Hải Vân lại hiếm khi xảy ra tai nạn. Đường uốn lượn sát vách núi, một bên là vực sâu hút gió, một bên là sườn đá dựng đứng, nhưng những “tay lái lụa” vẫn thường ví con đèo này là “bản nhạc trầm hùng của đất trời” - chỉ cần lắng nghe là có thể đi an toàn. Lên đến đỉnh, nhìn xuống dưới chân đèo, bên gần bãi biển xanh kia, thỉnh thoảng lại thấy đoàn tàu Thống Nhất lừng lững uốn lượn như một con trăn khổng lồ nằm động đậy giữa mây xanh, cây cỏ.
NSND Huỳnh Văn Hùng bên bức tường cổ của Hải Vân QuanHải Vân Quan – Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan
Tọa lạc ngay đỉnh đèo Hải Vân, Hải Vân Quan không chỉ là một di tích, mà là chứng nhân sống động của lịch sử. Vào năm 1858, khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, vị trí chiến lược này trở thành nơi tử thủ, án ngữ con đường tiến quân ra Huế. Vua Tự Đức quyết liệt điều binh tăng viện. Những cái tên như Nguyễn Biểu, Vũ Lâm… cùng hàng trăm binh sĩ đã ngày đêm trấn giữ tại đây, tạo nên một “lá chắn thép” mà quân Pháp không thể vượt qua. Kế hoạch tấn công kinh đô Huế của địch bị trì hoãn, thậm chí thất bại.
Chức năng quân sự ấy kéo dài đến đầu thế kỷ XX. Nhưng rồi, cùng với biến động của thời cuộc, nơi từng là thành lũy ấy dần rơi vào hoang phế. Năm 1918, khi học giả Pháp H. Cosserat đến khảo sát, ông chỉ còn thấy những bức tường đổ nát, nhà trú sở và kho vũ khí đều bị hư hại nặng nề.
Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà NẵngTrong giai đoạn 1937, Viện Viễn Đông Bác Cổ có tu bổ, song cuộc chiến chống thực dân Pháp, rồi chống Mỹ tiếp tục cuốn công trình vào cơn binh lửa. Hải Vân Quan một lần nữa trở thành cứ điểm quân sự quan trọng, nơi đặt súng máy, nơi quan sát và kiểm soát vùng biển Lăng Cô - Đà Nẵng. Những tường lũy bị phá hủy, hình dáng nguyên bản biến dạng, song linh hồn của “Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan” thì vẫn hiển hiện, bất khuất, vững chãi, uy nghiêm giữa non cao mây phủ. Bên Lăng Cô là một vịnh biển đẹp nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế, được mệnh danh là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Từ Đèo Hải Vân, ta tha hồ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vịnh Lăng Cô với cát vàng, biển xanh, đầm phá, và những ngọn núi bao quanh.
Giữ lại vẻ đẹp của mây - biển - lịch sử
Theo NSND Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng, nguyên Giám đốc VTV8 Đà Nẵng thì, có một thời, Hải Vân Quan bị lãng quên. Du khách qua đèo vội vã lướt qua, những khối đá rêu phong chỉ còn là phông nền cũ kỹ cho những người đam mê chụp ảnh. Nhưng rồi, dòng chảy du lịch thay đổi. Người ta bắt đầu khao khát những chuyến đi có chiều sâu, nơi mạo hiểm được đặt cạnh cảm xúc, nơi trải nghiệm gắn liền với lịch sử. Hiểu sự cấp thiết của việc trùng tu di tích, dựa trên những gì sẵn có, ông chính là một trong những nhân vật chính thúc đẩy và cùng lãnh đạo của 2 địa phương thành phố Đà Nẵng và Huế bắt tay thực hiện.
Hải Vân Quan, nhờ đó, trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá miền Trung. Du lịch xanh, du lịch mạo hiểm, du lịch lịch sử… tất cả đều gặp nhau trên đỉnh đèo lộng gió. Một buổi sáng trong, đứng ở cổng quan xưa, bạn có thể thấy mây mù trườn qua khe cửa, nghe tiếng sóng Lăng Cô rì rào dưới chân núi, cảm nhận gió từ đại dương thổi ngược về như mang theo lời thì thầm của bao thế hệ binh phu đã từng sống, chiến đấu và hi sinh nơi đây.
Những bức tường đá rêu phong, dấu tích các vọng gác cũ, hệ thống bậc cấp dẫn lên các điểm cao vẫn còn in hằn thời gian. Và trên cao kia, vẫn là hàng chữ Hán cổ được vua Minh Mạng cho khắc: “HẢI VÂN QUAN” ở mặt nam, “THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN” ở mặt bắc – tựa lời xác tín vĩnh hằng về vị trí chiến lược và vẻ đẹp tuyệt mĩ của nơi này.
Một chuyến đi đáng giữ trong tim
Tôi từng trở lại Hải Vân Quan vào một chiều tháng 5. Khi mặt trời nghiêng xuống mặt biển, cả không gian rực lên ánh vàng chói của nắng miền Trung. Những tầng mây bay lượn, cuốn theo vệt nắng như khói hương của đất trời. Có đoàn phượt thủ dựng lều bên chân tường cổ, có gia đình trẻ dắt tay nhau dạo bộ, có người đứng lặng hàng giờ chỉ để chụp bức ảnh toàn cảnh vịnh Lăng Cô xanh ngọc phía xa.
Vịnh Lăng Cô nhìn từ đèo Hải Vân Trong tiếng gió hú từ đại ngàn, tôi nghe thấy nhịp đập của đất nước, của những bước chân không ngừng nghỉ qua bao thế kỷ. Từ những đoàn binh thời nhà Nguyễn đến bước chân các chiến sĩ kháng chiến, từ những đoàn xe quân sự đến đoàn tàu Thống Nhất lặng lẽ đi qua mỗi ngày – tất cả đều từng dừng lại ở nơi này, hoặc chỉ là bằng ánh nhìn.
Hải Vân Quan không chỉ là di tích. Đó là một điểm giao thoa của lịch sử, địa lý, thiên nhiên và cảm xúc. Đó là nơi để người ta học cách ngước nhìn tổ tiên bằng lòng kính trọng, để thấy mình nhỏ bé trước non sông, nhưng cũng được nâng đỡ bởi chính dòng chảy bất khuất ấy.
Ngày nay, khi hầm Hải Vân đã rút ngắn hành trình, không nhiều người nhiều xe còn đi đường đèo. Nhưng có một điều chắc chắn: những ai từng dừng lại ở Hải Vân Quan đều sẽ mang về trong tim mình một thứ ánh sáng, thứ ánh sáng của ký ức, của tự hào, và của niềm hân hoan khó gọi thành tên. Hải Vân Quan - nơi mây gặp biển, nơi quá khứ chạm vào hiện tại, và nơi mỗi bước chân đều được lịch sử in dấu bằng đá, bằng gió thấm sâu vào tim.