Câu chuyện khởi nghiệp đầy chông gai của người phụ nữ dân tộc Mường
Là một trong những người con ưu tú của dân tộc Mường, chị Bùi Thị Lợi, ở xã Chí Đạo (Lạc Sơn, Hoà Bình) từ lâu đã nổi tiếng về hành trình vượt khó vươn lên của mình. Sinh ra trong một gia đình có 8 anh, chị, em; cuộc sống của gia đình chị Lợi rất khó khăn, khiến chị Lợi chỉ được học hết lớp 9.
Sau khi lập gia đình, chị Lợi may mắn được gia đình tạo điều kiện cho học hết cấp III và tham gia hoạt động Hội Phụ nữ ở địa phương. Năm 2017, được tiếp cận với Đề án Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025 khiến suy nghĩ của chị thay đổi rất nhiều.
Chị Lợi nhận ra đây là cơ hội hiếm có để chị em thay đổi cuộc sống. Để chị em phụ nữ thay đổi suy nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thì bản thân mình phải làm trước, thành công thì mới làm gương cho các chị em khác trong Hội noi theo. Tuy nhiên, khi có ý định đứng ra kinh doanh, chị đã bị gia đình kịch liệt phản đối, đặc biệt là chồng mình.
Với quyết tâm thực hiện mong muốn của mình, chị Lợi chấp nhận đối mặt với mọi khó khăn. Chị tự “cắm sổ” lương vay vốn ngân hàng và thuyết phục thành công bố chồng cho mượn sổ đỏ để thế chấp vay vốn. Có trong tay hơn 500 triệu đồng, cộng với tiền vay anh em, bạn bè, chị Lợi mở hai sân bóng đá mini có tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đồng và một quán bia hơi phục vụ tại chỗ.
Sau 2 năm, chị Lợi thu lại toàn bộ vốn đầu tư. “Mừng nhất là khởi sự không vỡ nợ” chị Lợi vui mừng chia sẻ.
Đang làm ăn tốt, bỗng dịch COVID-19 ập đến, sân bóng phải đóng cửa. Không có nguồn thu, chị Lợi xoay ra trồng cây dổi lấy hạt làm gia vị. Chị rủ 10 chị em khác cùng làm công việc ươm, ghép cây giống và làm muối gia vị.
Chẳng ai hướng dẫn kỹ thuật, những người phụ nữ Mường tự mày mò tìm cách ươm, ghép cây dổi giống và họ đã thành công. Dổi ghép bán với giá 60 - 70 nghìn đồng/cây, dổi ươm 10.000 đồng/cây. Riêng muối gia vị, đến nay, các chị đã có những đơn hàng đặt hàng trăm, hàng nghìn lọ.
Công việc làm ăn thuận lợi là động lực để chị và các chị em trong xã bắt tay nhau thành lập hợp tác xã lấy tên là Hợp tác xã Nông nghiệp và cây dược liệu, chiết xuất tinh dầu và các sản phẩm từ cây dược liệu và cây công nghiệp. Hiện nay các sản phẩm của hợp tác xã sản xuất đang khẳng định thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn. Mô hình kinh doanh của hợp tác xã đã góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Nhờ những cố gắng của người dân trong xã nói chung, của chị Bùi Thị Lợi nói riêng, sản phẩm hạt dổi của xã Lạc Sơn đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019. Thương hiệu hạt dổi Lạc Sơn được khẳng định và đem lại giá trị kinh tế bền vững cho nhiều hộ ở xã Chí Đạo. Xã hiện có hơn 300 hộ trồng trên 42 ha dổi với hơn 20.000 cây ở các độ tuổi, trong đó trên 4.000 cây đã cho thu hoạch.
Người thủ lĩnh của buôn làng
Năm 1990, chị Lương Thị Oanh (dân tộc Nùng) cùng gia đình rời quê hương Cao Bằng vào Đắk Lắk xây dựng vùng kinh tế mới. Những ngày đầu gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ cần cù, tiết kiệm, vợ chồng chị đã mua được mảnh đất làm nhà tại thôn 6, xã Ea Wy (huyện Ea Hleo) và 1ha đất rẫy trồng cà phê.
Chị Oanh phấn khởi cho biết: Cứ mỗi năm, tích cóp được đồng nào vợ chồng chị lại tiếp tục mua thêm đất mở rộng diện tích canh tác để trồng cà phê, hồ tiêu, cao su theo hình thức đa cây. Làm ăn giỏi, chị được bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn 6, xã Ea Wy.
Từ năm 2016, nhận thấy giá sản phẩm cà phê, hồ tiêu trên thị trường luôn bấp bênh, chị Oanh bàn với một số hộ trồng cà phê ở xã Ea Wy tìm hướng giải quyết vấn đề. Được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện, chị mạnh dạn đứng ra chịu trách nhiệm, quản lý điều hành hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp Ea Wy.
Với vai trò Giám đốc HTX, chị Oanh đã định hướng và vận động các thành viên áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để canh tác bền vững. Đến nay, HTX đã phát triển mô hình tưới tiết kiệm trên 1/3 tổng diện tích tiêu, cà phê của thành viên, với khoảng 50ha và mở rộng thêm hơn 100 hộ nông dân liên kết. Hàng năm, cà phê, hồ tiêu của thành viên HTX tăng cả về sản lượng lẫn chất lượng, bình quân mỗi năm sản lượng đạt từ 4,5 - 5 tấn/ha.
Qua thời gian phấn đấu, nỗ lực, hiện nay HTX sản xuất nông nghiệp Ea Wy đã xây dựng được thương hiệu và đưa ra thị trường tiêu thụ: Cà phê bột Ea Wy, hồ tiêu Ea Wy. Ngoài ra hàng năm HTX còn cung cấp ra thị trường khoảng 200 tấn cà phê nhân.
Dưới sự điều hành của chị Oanh, sự ủng hộ của thành viên, HTX sản xuất nông nghiệp Ea Wy ngày càng phát triển, không chỉ tiêu thụ các sản phẩm do đồng bào địa phương làm ra, mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng.
Biến điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt thành lợi thế thoát nghèo
Vùng đất Ninh Thuận từ lâu đã nổi tiếng với khí hậu khắc nghiệt khi mùa khô kéo dài 9 tháng trong năm. Thế nhưng, người dân nơi đây đã biến cái khắc nghiệt thành lợi thế thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Chị Đạo Thị Thanh Toán (dân tộc Chăm) ở xã Xuân Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) là một trong những trường hợp như thế.
Năm 2009, sau khi lập gia đình, chị Toán được tiếp quản đàn cừu 50 con của cha mẹ. Với vốn liếng có sẵn, chị đã mạnh dạn vay thêm 150 triệu đồng để mua thêm 50 con cừu. Với kinh nghiệm trong chăn nuôi, chỉ sau 1 năm, từ chỗ phải thuê đất để nuôi cừu, chị Toán đã mua được mảnh đất hoang 2ha ở rìa làng để cừu có chỗ chăn thả.
Chị Toán cho biết sau 3 năm, gia đình chị đã thu lại được toàn bộ số vốn bỏ ra từ đàn cừu. Từ năm thứ tư trở đi, mỗi năm, đàn cừu cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Có thu nhập từ cừu, năm 2013, chị Toán có ý tưởng trồng lúa và bắt đầu thuê đất để trồng cấy. Thấy hiệu quả từ việc trồng lúa, chị mạnh dạn mua luôn 2ha đất nông nghiệp để mở rộng mô hình của mình. Theo chị Toán, mỗi năm gia đình thu hoạch được 2 vụ lúa. Trừ đi các chi phí và nhân công, chị cũng có thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Đến năm 2020, người phụ nữ Chăm cần cù và giỏi tính toán đã quyết định đầu tư vào điện mặt trời hay còn gọi là điện ấp mái. Chị Toán cho biết, chị vay thêm ngân hàng 1 tỷ đồng cùng với số tiền gia đình tích cóp được từ trước để đầu tư vào điện ấp mái rồi bán cho công ty điện lực. Đây là khoản thu nhập cao nhất của gia đình với khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, 5 sào ruộng đất nông nghiệp được chị Toán đầu tư để làm nơi sản xuất điện ấp mái. Bên dưới chị đào ao thả cá, nuôi vịt, nuôi gà. Như vậy, cộng 3 khoản thu nhập, gia đình chị Toán mỗi năm có thêm 700-750 triệu đồng. Gia đình chị mua sắm nhiều vật dụng có giá trị, con cái có được điều kiện học tập tốt nhất.
Bên cạnh việc giỏi làm ăn, biến những điều bất lợi về thời tiết để làm giàu, chị Toán cũng rất tích cực đóng góp vào các hoạt động chung của địa phương. Được biết, mỗi năm chị Toán đều dành một khoản để làm quỹ khuyến học cho trường tiểu học thôn An Nhơn.
Không chỉ có chị Bùi Thị Lợi, chị Lương Thị Oanh, chị Đạo Thị Thanh Toán trong cộng đồng DTTS còn nhiều phụ nữ vượt qua những rào cản của gia đình, xã hội để khẳng định bản thân. Họ không còn “bó buộc” trong những gian bếp hay gác lại niềm riêng, lùi về làm hậu phương cho chồng, phụ nữ DTTS ngày nay vừa tự tin khởi nghiệp, kinh doanh… vừa làm tròn “thiên chức” trong gia đình. Những nỗ lực, đóng góp của họ ngày càng rõ nét hơn trong sự phát triển kinh tế - xã hội.