“Nàng tiên ngủ trong rừng”
Nói về những ngôi biệt thự cổ ở trong rừng đặc dụng Phia Oắc được thực dân Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX, ông Nông Văn Trường, Phó Chủ tịch huyện Nguyên Bình ví di sản này như “nàng tiên ngủ trong rừng”, rất đẹp nhưng chưa được khai thác về mặt du lịch, văn hóa...
Theo lời giới thiệu của ông Trường, từ thị trấn Nguyên Bình, chúng tôi đi qua những cung đường ẩn hiện quanh những sườn núi, một bên là vực sâu, bên kia là những ngọn núi cao ngút tầm mây. Càng lên cao, cảm giác lành lạnh như đầu đông chợt ập đến. Đến lưng chừng núi, một người dân dẫn chúng tôi rẽ sang con đường nhỏ dẫn vào vùng lõi rừng đặc dụng Phia Oắc-nơi có những ngôi biệt thự cổ hoang tàn.
Đi sâu vào trong rừng, những ngôi biệt thự cổ xuất hiện. Trải qua trăm năm bị lãng quên, những ngôi biệt thự này được bao phủ bởi lớp rêu xanh rì và ẩn dật dưới những đám dây leo chằng chịt và những hàng cây cổ thụ.
Anh Nông Văn Thụ, một người dân huyện Nguyên Bình đi cùng Đoàn dùng tay bới đám rêu phong bám trên bức tường của một ngôi biệt thự cổ. Đám rêu rơi ra từng mảng lớn để lộ ra bức tường xây bằng đá có bề dày chừng 40cm rất vững chắc.
Theo những tài liệu ghi chép, những ngôi biệt thự cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX. Vào thời gian này, thực dân Pháp đẩy mạnh việc khai thác quặng ở Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình) và đẩy hàng ngàn công nhân từ khắp nơi về đây để đào quặng, vơ vét tài nguyên. Để đảm bảo giám sát số lượng lớn nhân công, Pháp đã điều động quân lính tới đây đồn trú, đồng thời xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp để phục vũ sĩ quan, binh lính ngay tại chỗ với quy mô lớn.
Trên khu vực lưng chừng núi Phia Oắc có hai loại hình nhà chính là biệt thự độc lập dành cho quan chức cấp cao của Pháp và biệt thự liền kề-khu vực dành cho binh lính và quan chức nhỏ.
Cách rừng đặc dụng Phia Oắc khoảng 5km có những ngôi biệt thự đặc biệt sang trọng gọi là “nhà đỏ”. Chủ nhân của ngôi nhà này là Phăngten, một quan chức cao cấp của Pháp lúc bấy giờ. Đây là ngôi biệt thự lớn nhất và cổ kính nhất ở khu vực Phia Oắc.
Cần bảo tồn khẩn cấp
Những ngôi biệt thự ở Phia Oắc vốn rất vững chãi nhưng không được bảo tồn nên hiện nay, đã hư hỏng nặng. Tới thăm quan tại nhà “nhà đỏ”, chúng tôi chứng kiến ngôi nhà này mới chỉ bị hư hỏng phần mái và cửa. Phần khung nhà thì vẫn đứng vững chãi. Tuy nhiên, phía trong ngôi nhà, một số người dân đã dùng làm chuồng trâu, bò. Xung quanh ngôi nhà được người dân trồng cây dong làm nguyên liệu làm miến. Cách “nhà đỏ” không xa là nơi ngắm cảnh dành cho quan chức Pháp, người dân quen gọi đó là “đài vọng cảnh”. Xung quanh ngôi nhà đỏ đã bị người dân đào bới loang lổ, trơ cả móng, còn những bức tường vững chãi thì cũng bị trâu, bò húc nham nhở...
Ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng nhận xét: Đây là địa điểm du lịch hấp dẫn nằm trên tuyến du lịch hồ Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn, đến Phia Oắc, Pác Bó, thác Bản Giốc... của tỉnh Cao Bằng. Phia Oắc mùa hè không khí mát mẻ, trong lành có rừng đặc dụng quanh năm rêu phủ trông rất đẹp. Vào mùa đông, Phia Oắc còn có tuyết rơi, như năm 2010 tuyết ở Phia Oắc còn xuất hiện sớm hơn ở Sa Pa, Lào Cai và Mẫu Sơn, Lạng Sơn, tuyết và băng phủ kín ngọn núi Phia Oắc, đây thực sự là địa điểm tuyệt vời để phát triển du lịch.
“Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng dịch vụ ở đây hầu như chưa có gì. Hiện tại, ngành Văn hóa-Du lịch tỉnh Cao Bằng đang mong muốn sẽ có có các cơ sở, nhà đầu tư, doanh nghiệp, mạnh thường quân quan tâm cùng với tỉnh đầu tư phát triển khu du lịch này”, ông Sầm Việt An bộc bạch.
THIÊN ĐỨC