Những năm qua, Chính phủ đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ đất, nhà ở cho gần 300 hộ dân, xây mới 852 căn nhà theo Chương trình 134, 135, cất 223 căn nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ trên 6 tỷ đồng cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh... Nhờ những chính sách này mà bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm An Giang được phát triển, khởi sắc toàn diện so với trước đây.
Hiện nay, 100% ấp, xã vùng dân tộc Chăm có điện lưới quốc gia, có nhà máy nước và trên 90% hộ được lắp đặt điện kế và nước sạch sinh hoạt. Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa hoàn toàn, 8 xã vùng đồng bào Chăm có nhà văn hóa, trạm phát thanh phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Đời sống của bà con được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/năm, số hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 239 hộ, chiếm 7,3%. Có trên 2.600 hộ/3.273 hộ, 8 ấp, 4 xã có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống đạt danh hiệu văn hóa. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định. Đặc biệt, việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các vị chức sắc trong đồng bào dân tộc Chăm hết sức chú trọng.
Ông A Ly, Giáo cả thánh đường Mukarromah, xã Khánh Bình, huyện An Phú cho biết: Đồng bào Chăm ở đây được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, được hỗ trợ và tạo điều kiện để xóa đói giảm nghèo, được tự do hành lễ theo quy định của Hồi giáo. Đồng bào còn được chính quyền địa phương và ngành chức năng giúp đỡ trong việc xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Xã có cả đội bóng đá, đội bóng chuyền, đội văn nghệ... Hơn thế nữa, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện đưa tiếng nói và chữ viết Chăm vào chương trình dạy song ngữ của trường tiểu học, giúp con em đồng bào Chăm được học tiếng và chữ viết của dân tộc mình. Nhiều em đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trở về phục vụ địa phương. Trong xóm Chăm ở ấp Bình Di, xã Khánh Bình cũng có 3 người là đảng viên, đang công tác ở Hội đồng nhân dân xã.
Trong những bước phát triển mạnh mẽ của vùng đồng bào Chăm, bên cạnh sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành luôn có sự đồng hành của các cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở những địa bàn khó khăn nhất trên biên giới An Giang.
Theo Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy BĐBP An Giang, để thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng ở khu vực biên giới, các đơn vị BĐBP đã chủ động phối hợp với với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.
Cũng chính từ niềm tin với Đảng, tin yêu BĐBP, đồng bào dân tộc Chăm không nghe lời kẻ xấu kích động, xúi giục; không tham gia buôn lậu và tiếp tay cho buôn lậu, không vi phạm quy chế biên giới... Khi phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới" được phát động thì đồng bào dân tộc Chăm là những người đầu tiên hưởng ứng và tham gia thực hiện một cách tích cực nhất. Không chỉ chủ động ký cam kết thực hiện phong trào, những vị chức sắc trong cộng đồng người Chăm còn tuyên truyền, vận động đồng bào, nhất là những hộ có đất sản xuất sát biên giới đăng ký với BĐBP tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.
Bài và ảnh: NGUYỄN ĐỨC THẮNG