Đường vào khu căn cứ cách mạng Tờ Lek được bê tông thẳng tắp, hai bên là vườn cây trái xanh tốt Vĩnh Thạnh vùng đất cách mạng kiên cường
Vĩnh Thạnh từng giữ vị trí chiến lược đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, là căn cứ địa quan trọng của Khu 5 và tỉnh Bình Định. Đây cũng là vùng giáp ranh “cài răng lược” giữa ta và địch, nơi phần đông là đồng bào Ba Na sinh sống - những người sớm hun đúc truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm trong các cuộc giao tranh ác liệt.
Ngày 6/2/1959, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bình Định, Nhân dân 12 làng thuộc hai xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) đã đồng loạt đứng lên, phản đối âm mưu dồn dân, lập ấp của địch. Trong đó, nổi bật là cuộc nổi dậy kết hợp với hoạt động vũ trang của lực lượng du kích và Nhân dân hai làng Tờ Lok, Tờ Lek, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.
Vào những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi tìm về khu căn cứ cách mạng Tờ Lok, Tờ Lek, thăm nhà già làng Đinh Biên, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thạnh, và được nghe ông kể lại những năm tháng hào hùng ấy.
Theo lời già Biên, hưởng ứng lời kêu gọi của cách mạng, Nhân dân đã rời bỏ làng cũ, lên rừng sâu lập làng mới, kiên quyết bất hợp tác với địch. Họ chủ động cắm chông, gài bẫy ở tất cả các con đường vào làng, tổ chức lực lượng tự vệ tuần tra canh gác ngày đêm, sẵn sàng chiến đấu.
“Lúc ấy, quân địch tổ chức nhiều đợt càn quét, khủng bố nhưng đều bị du kích đánh bại, gây ra nhiều tổn thất, khiến chúng hoang mang, khiếp sợ. Cuộc nổi dậy dần lan rộng ra các làng, xã trong huyện. Đến tháng 6/1959, hơn 50 làng của huyện Vĩnh Thạnh đồng loạt đứng lên, bẻ gãy các cuộc càn quét, đập tan âm mưu dồn dân của địch, giành lại quyền làm chủ toàn huyện.
Ngày ấy, người dân luôn trong tư thế chuẩn bị chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất, từng nhành cây, ngọn cỏ của quê hương. Dù nhiều lần địch càn quét, đồng bào vẫn kiên cường không sợ hãi. Ban ngày, họ làm nương, làm rẫy để có lương thực; ban đêm, mọi người chia nhau canh gác, chống lại địch. Nhân dân rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.”, già làng Đinh Biên nhớ lại.
Già làng Đinh Biên kể về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của quân và dân Vĩnh Thạnh Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi vùng cao Vĩnh Thạnh đã đoàn kết, phấn đấu xây dựng và phát triển kinh tế, làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đến nay, đời sống người dân Vĩnh Thạnh đã có những thay đổi rõ rệt. Những ngôi nhà tranh, vách nứa gần như không còn, thay vào đó là những ngôi nhà mái ngói khang trang hiện đại. Các con đường đất giờ đây đã được thay thế bằng những con đường nhựa, bê tông phẳng phiu, nối liền các thôn, làng.
Ông Đinh Hương,Trưởng thôn M2, làng Tờ Lok, cho biết: Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư xây dựng, mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con vùng miền núi. Hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội và từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Chia sẻ thêm về những đổi thay của địa phương, ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: Là huyện miền núi, Vĩnh Thạnh xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì vậy, huyện luôn quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tư duy sản xuất đổi mới, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm bình quân 6,95% mỗi năm; thu nhập bình quân đạt gần 22,3 triệu đồng/người/năm.Toàn bộ các xã trong huyện đều đã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông và trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương.
Nhà cửa của đồng bào DTTS Vĩnh Thạnh được xây dựng khang trang Hào hùng chiến thắng An Lão
Đầu tháng 12/1964, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V quyết định mở chiến dịch tấn công giải phóng An Lão, với sự phối hợp của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và sự ủng hộ to lớn từ quần chúng Nhân dân huyện An Lão.
Chiến dịch diễn ra từ ngày 7 đến 23/12/1964, trong đó các trận đánh ác liệt nhất diễn ra vào hai ngày đầu tiên (7 và 8/12). Với chiến thuật tấn công bất ngờ, liên tục, cùng việc chủ động dự báo tình hình, lực lượng ta đã giành thắng lợi, đẩy lùi quân chi viện của địch cả đường không lẫn đường bộ.
Kết thúc chiến dịch, quân ta đã giải phóng 11.000 người dân bị kìm kẹp trong các ấp chiến lược của địch; toàn bộ thung lũng An Lão dài 22 km trở thành căn cứ vững chắc của cách mạng.
Việc giải phóng huyện An Lão đã tạo ra thế liên hoàn chiến lược, nối liền căn cứ phía Tây Bắc và khu Đông tỉnh Bình Định với hai huyện Ba Tơ, Đức Phổ (Quảng Ngãi), đồng thời kết nối với Tây Nguyên, hình thành một vùng căn cứ địa cách mạng vững chắc. Từ đó, An Lão trở thành hậu phương quan trọng, đóng góp tích cực về sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của tỉnh Bình Định trong suốt giai đoạn 1965–1975.
Sau ngày giải phóng, huyện An Lão bắt đầu hành trình xây dựng trong điều kiện xuất phát điểm thấp, kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh, huyện đã phát huy tinh thần tự lực, chủ động tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển. Nhờ đó, An Lão đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, từng bước đổi thay diện mạo quê hương.
Sau 50 năm thống nhất đất nước, vùng đồng bào DTTS huyện An Lão để đổi thay đáng kể Về với huyện miền núi An Lão, rong ruổi trên những con đường bê tông thẳng tắp dẫn vào các thôn làng vùng sâu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của vùng đất từng là căn cứ địa cách mạng. Những ngôi nhà khang trang, bề thế mọc lên san sát, bao quanh là vườn cây trái xanh mướt, minh chứng cho cuộc sống ấm no của người dân nơi đây.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, hiện toàn huyện có 3.334 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ba Na và Hrê, với tổng số 12.196 nhân khẩu. Thu nhập bình quân của đồng bào DTTS đạt khoảng 24 triệu đồng/người/năm.
“Trong giai đoạn 2021–2024, huyện An Lão được Trung ương và tỉnh phân bổ gần 200 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và Chương trình giảm nghèo bền vững. Nhờ nguồn lực này, huyện đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống giao thông liên xã, phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất và lưu thông hàng hóa. Nhờ đó, diện mạo nông thôn của An Lão ngày càng đổi thay rõ nét, khang trang, hiện đại hơn”, ông Lâm cho biết.
Cũng theo ông Đỗ Tùng Lâm, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đến nay huyện An Lão đã triển khai xây dựng gần 300 công trình giao thông, thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống của người dân. Những công trình này đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, mang lại nhiều khởi sắc cho các thôn làng xa xôi.
Hiện tại, 57/57 thôn, khu phố trên địa bàn huyện đều đã có điện lưới quốc gia, đường bê tông kiên cố dẫn đến từng thôn, phủ sóng điện thoại di động và mạng internet, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với thông tin, khoa học kỹ thuật và các dịch vụ xã hội hiện đại.
Nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong năm 2025 và những năm tiếp theo là tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển theo hướng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững. Huyện đặt mục tiêu tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát; đồng thời không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS vùng cao.