“Ngôi làng huyền thoại”
Nằm cách trung tâm huyện Đăk Glei khoảng 34km, làng kháng chiến Xốp Dùi, xã Xốp trước đây từng là mô hình làng kháng chiến được hình thành sớm nhất ở Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng trong chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Cựu chiến binh A Lương (dân tộc Gié Triêng), làng Xốp Dùi chia sẻ: Ông tham gia cách mạng khi mới 17 tuổi và khi đó làng chỉ có 80 bếp ăn với khoảng 200 nhân khẩu. Tại đây, bộ đội địa phương đã được Nhân dân che chở để đánh giặc; đồng thời, bộ đội huấn luyện cho Nhân dân xây dựng hàng rào, đường đi bí mật. Khi có báo động toàn dân làng đều xung phong đi đánh giặc.
Ông A Lương cho biết thêm: Người dân tại đây luôn một lòng, một dạ trung kiên theo Đảng, theo Bác Hồ, quyết tâm kháng chiến đến cùng. Phía địch cũng nhiều lần huy động máy bay cùng bộ binh càn quét căn cứ kháng chiến của quân ta. Tuy nhiên, nhờ vào sự dẫn dắt tài tình của anh hùng A Mét (tên thật là Đinh Môn), những toán quân địch mò vào làng đều bị dân và quân ta tiêu diệt bằng những vũ khí thô sơ như: Giáo mác, cung, nỏ…
Thời gian tới, xã tiếp tục triển khai Chương trình MTQG 1719 và các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào DTTS để giúp người dân thoát nghèo. Trong đó, chú trọng việc phát triển dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh. Hướng đến mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người lên hơn 22 triệu đồng/người/năm”.
Bà Y Chung Phó Chủ tịch UBND xã Xốp
Từ làng kháng chiến Xốp Dùi, Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Xốp đã góp nhiều công sức trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trở thành “ngôi làng huyền thoại” trong truyện ngắn “Rừng Xà nu” và bản thân anh hùng A Mét là nhân vật chính trong tác phẩm này.
Sức bật từ Chương trình MTQG 1719
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, người dân làng Xốp Dùi nói riêng và xã Xốp nói chung đã chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương. Các chính sách dân tộc, trong đó có Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư đường liên xã, liên thôn và các mô hình sinh kế cho người dân, qua đó tạo điều kiện cho xã Xốp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Dẫn chúng tôi đến xem ngôi nhà đang xây dựng tại khu giãn dân thôn Đăk Xina, thuộc Dự án sắp xếp, ổn định dân cư tập trung xã Xốp, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, chị Y Hồng Vân phấn khởi cho biết: Lập gia đình đến nay cũng 10 năm nhưng vẫn ở chung với bố mẹ do chưa có đất ở. Vừa rồi huyện đầu tư khu giãn dân với hệ thống điện, đường, nước sinh hoạt đầy đủ và cấp cho gia đình 230m2 đất ở, hỗ trợ 20 triệu đồng. Gia đình rất phấn khởi, đã bán sâm Ngọc Linh được hơn 200 triệu đồng thêm vào xây dựng nhà cho khang trang.
Cùng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng, xã Xốp cũng triển khai hỗ trợ sinh kế cho người dân, như: Hỗ trợ trâu, bò sinh sản; giống cây dược liệu, cà phê. Với sự đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của người dân, hiện diện tích các loại cây trồng trên địa bàn xã Xốp đạt 758ha; trong đó, cây cà phê 218ha, cây mắc ca gần 50ha, cây dược liệu hơn 30ha... Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 41 hộ, chiếm 7,3%.
Chia tay xã Xốp trong cơn mưa rừng nặng hạt, chúng tôi tin rằng từ nguồn lực đầu tư của Chương trình MTQG 1719 và sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, một ngày không xa, đồng bào DTTS nơi đây sẽ vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.