Dưới đây là những lời chia sẻ mộc mạc của một số Người có uy tín tỉnh Tuyên Quang với bạn đọc Báo Dân tộc và Phát triển về công việc thầm lặng của mình.
Ông Lý Văn Bộ, dân tộc Dao, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình: Mong được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nâng cấp đường giao thông nông thôn.Thôn Thượng Minh có 163 hộ dân với trên 600 khẩu dân tộc Dao và Pà Thẻn. Người dân trong thôn chủ yếu làm nông nghiệp nhưng quỹ đất không nhiều, bình quân mỗi khẩu chỉ được 300m2.
Bên cạnh đó, thôn nằm cách trung tâm xã khá xa (10 km), đường từ xã vào thôn là đường đất, những ngày trời mưa, đường trơn lầy lội, người dân đi lại bằng xe máy cũng rất khó khăn.
Là Người có uy tín của thôn, trong những năm qua, bản thân tôi cũng có nhiều trăn trở khi làm công tác tuyên truyền, vận động bà con chăm chỉ làm ăn, cố gắng vươn lên thoát nghèo.
Tôi nhận thấy trong nhiều năm qua, người dân thôn Thượng Minh đã có ý thức siêng năng, cần cù lao động, tự lực vươn lên để cố gắng thoát nghèo.
Tuy nhiên, bà con vẫn gặp nhiều cái khó: đất nông nghiệp ít, đường giao thông đi lại khó khăn, một số hộ đã sản xuất được nông sản để bán thì vẫn bị tư thương ép giá, tỷ lệ hộ nghèo của thôn vẫn còn cao (60%), con em đi học xong không tìm được việc làm…
Là người làm cầu nối thực hiện công tác vận động, tuyên truyền, tôi mong muốn trong thời gian tới, thôn Thượng Minh sẽ được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí để bê tông hóa đường giao thông vào thôn; nâng cấp trạm biến áp để cải thiện nguồn ánh sáng cho người dân; có cơ chế hỗ trợ, ưu tiên giải quyết việc làm cho con em người DTTS.
Ông Lộc Văn Ích, dân tộc Tày, thôn Nà Lầu, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình: Tự hào vì người dân trong thôn có ý thức tốt và sự đồng lòng cao.Thôn Nà Lầu có 113 hộ dân gồm 450 nhân khẩu dân tộc Tày và Kinh. Trong những năm qua, người dân trong thôn đều có ý thức chịu khó vươn lên, chăm chỉ lao động, làm ăn. Tuy nhiên, bà con chủ yếu làm nghề nông nhưng quỹ đất trồng trọt hiện nay ngày càng bị thu hẹp do dân số tăng lên.
Vì vậy, cuộc sống, thu nhập người dân trong thôn cũng bấp bênh tùy theo từng năm, từng mùa vụ được mùa hay thất mùa.
Điều đáng tự hào nhất là so với nhiều vùng khác, đời sống của người dân thôn tôi chưa phải là khá giả, giàu có nhưng ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn được người dân ủng hộ, thực hiện nghiêm túc.
Vì vậy, trong công tác vận động, tuyên truyền, bản thân tôi là Người có uy tín của thôn cũng có được nhiều sự thuận lợi, sự nhất trí đồng lòng của bà con. Nhất là trong việc vận động xây dựng nông thôn mới (NTM), bà con đã nhiệt tình hiến đất vườn, ủng hộ đóng góp tiền của, ngày công để mở rộng đường làng, ngõ xóm theo tiêu chuẩn NTM. Từ sự đồng lòng đó, năm 2015, nhân dân thôn Nà Lầu cùng với xã Thượng Lâm đã vinh dự được đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Ông Nông Văn Huỳnh, dân tộc Tày, thôn Khâu Tinh, xã Khâu Tinh, huyện Na Hang: Nói được, làm được người dân mới tin mình.Tôi may mắn được người dân bầu làm Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ thôn năm 2016 có lẽ vì bản thân tôi là người quyết đoán, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm.
Trước khi đảm nhiệm công tác xã hội, bản thân tôi chỉ chăm chăm lo việc làm ăn, phát triển kinh tế để nâng cao mức sống cho gia đình, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn.
Gia đình tôi có 1ha đất trồng ngô 2 vụ, 5 sào ruộng trồng lúa nước, đàn trâu 5 con, 8-10 con lợn thịt và đàn gà trăm con… Bình quân mỗi năm, tổng thu nhập từ sản xuất, chăn nuôi cũng đạt từ 80-100 triệu đồng.
Đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khâu Tinh, tôi cảm nhận điều bà con mong muốn nhất là được cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ họ biết cách làm ăn, biết cách trồng trọt, chăn nuôi sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao.
Do đó, trong những năm qua, tôi đang cố gắng giúp người dân thôn mình nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.
Những chuyến đi thăm quan cũng giúp tôi mở mang tầm nhìn, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm để trở về giúp người dân thôn mình vươn lên phát triển. Muốn được bà con tin yêu thì mình phải nói được, làm được.
NGỌC ÁNH ( thực hiện )