Khu vực miền núi phía Bắc có thế mạnh về sản xuất nông lâm nghiệp, đặc biệt là các loại trái cây. Nhưng suốt một thời gian dài, cái nghèo vẫn đeo bám các bản làng. Sản xuất hàng hóa chỉ tập trung vào vài cây/con chủ lực; còn phần lớn vẫn là tự cung tự cấp. Nhiều tỉnh đang loay hoay nay cây/con này, mai cây/con khác. Cũng vì thế, đây vẫn là “vùng trũng” trong phát triển kinh tế của cả nước.
Nhưng vài năm trở lại đây, ở khu vực này đã xuất hiện nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế, nhất là đã khai thác tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông lâm nghiệp để bứt phá. Không chỉ đa dạng các sản phẩm nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa mà nhiều sản phẩm chủ lực đã tìm được chỗ đứng ở những thị trường khó tính trong và ngoài nước.
Sơn La là một điển hình với những bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu nông sản. Sau chanh leo là nhãn, xoài,… của người nông dân Sơn La đã vươn ra thị trường thế giới.
Trước đây, xoài Yên Châu, hay bơ, chanh leo, thanh long, nhãn ở các huyện Mai Sơn, Mường La, Mộc Châu, Sông Mã… chỉ quẩn quanh với thị trường trong tỉnh, trong huyện. Thế nên câu chuyện “được mùa-mất giá” cứ diễn ra liên miên; dù chưa đến mức phải “giải cứu” nhưng người nông dân cũng lao đao vì khâu tiêu thụ.
Nhưng nay, đường đi của nông sản Sơn La đã cơ bản không còn quẩn quanh nữa. Ngoài đứng vững ở thị trường trong nước, nông sản Sơn La đã tìm được hướng “xuất ngoại”. Kể từ khi Sơn La thực hiện chủ trương tìm kiếm thị trường ngoài nước cho nông sản trên địa bàn, đến thời điểm này, 17,5 nghìn tấn quả các loại đã được Sơn La xuất khẩu ra các nước, tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt hàng trăm triệu đô la. Đây thực sự là con số trong mơ của tỉnh miền núi này.
Riêng năm 2018, Sơn La đã xuất khẩu 3,5 nghìn tấn xoài sang thị trường Úc, Trung Quốc, cho giá trị 1,75 triệu đô la; 5 nghìn tấn nhãn sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, xuất chào hàng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, cho giá trị hơn 11 triệu đô la. Ngoài ra, khoảng 4,8 nghìn tấn chanh leo, thanh long, chuối của Sơn La đã xuất sang các nước Trung Quốc, UAE, hiện đang tiếp tục chào hàng đi Pháp, Australia.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản ấn tượng đã đem lại sự bứt phá mạnh mẽ cho ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La trong năm 2018. Kết thúc năm, giá trị tăng thêm của ngành Nông nghiệp Sơn La ước đạt 7.300 tỷ đồng, tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trên 115 triệu USD, vượt hơn 40% kế hoạch đã đề ra.
Nông sản “xuất ngoại” cũng góp phần thay đổi đời sống của người nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi ở Sơn La. Giờ đây, những vườn chanh leo, nhãn, xoài… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, có nơi hàng tỷ đồng ở Sơn La không còn là hiếm. Rất nhiều nông dân là đồng bào DTTS ở tỉnh miền núi này đang trở thành triệu phú, tỷ phú trên chính mảnh đất quê hương.
Đón Xuân mới, không riêng Sơn La mà nhiều địa phương miền núi cũng thêm khí thế mới từ những khởi sắc trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng góp phần tăng thu ngân sách cân đối cho địa phương.
Phải kể đến Yên Bái, một địa phương luôn thấp thỏm nỗi lo thu ngân sách cân đối trên địa bàn. Là tỉnh nghèo, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, bão lũ nên năm nào Bộ Tài chính cũng chia sẻ với tỉnh trong việc giao chỉ tiêu thu ngân sách cân đối. Năm 2018, Yên Bái được giao thu 1.846 tỷ đồng; các năm trước đó, chỉ tiêu giao thu ngân sách cân đối của tỉnh còn thấp hơn.
Nhưng kết thúc năm 2018, ngành thuế Yên Bái thông báo tin vui khi thu ngân sách cân đối của tỉnh đạt hơn 2.909 tỷ đồng, vượt 44% dự toán Bộ Tài chính giao, vượt 31% dự toán của tỉnh, tăng 16% so với năm 2017. Trong đó, thu từ xuất nhập khẩu đạt 253,7 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước; thu nội địa đạt 2.656,1 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.
Vượt ngưỡng kỷ lục trong thu ngân sách cân đối trên địa bàn đã tiếp thêm động lực mới, khí thế mới cho Yên Bái. Trên đà thắng lợi, năm 2019, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tăng thu ngân sách cân đối đạt 3.150 tỷ đồng trở lên; còn Bộ Tài chính cẩn trọng hơn khi giao chỉ tiêu cho tỉnh thu 2.240 tỷ đồng.
Những kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 của các địa phương miền núi phía Bắc, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu nông lâm sản, là những tín hiệu đầy lạc quan, thêm động lực mới cho năm 2019 và những năm tiếp theo. Những thành tựu đó như những cánh én mang Xuân về; én về càng đông thì Xuân càng thêm rộn rã, báo hiệu một năm mới đã đến với niềm tin mới về sự khởi sắc toàn diện của các địa phương này.
KHÁNH THƯ