Ngày 31/7, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tại kỳ thi THPT công lập năm nay, toàn tỉnh tuyển được 32.108 học sinh, thiếu 137 chỉ tiêu so với tổng số 32.245 chỉ tiêu tuyển mới. Theo đó, toàn tỉnh có 8/88 trường THPT thiếu chỉ tiêu của tỉnh giao.
Đáng chú ý, các trường này tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi. Như ở Trường THPT Hà Văn Mao (huyện Bá Thước). Năm nay, nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển 336 học sinh lớp 10, với số lượng 8 lớp, tuy nhiên, hiện chỉ tuyển được 309 học sinh, thiếu 27 em so với chỉ tiêu.
Theo đánh giá ban đầu, một trong những nguyên nhân dẫn đến các trường này đang thiếu chỉ tiêu là do điểm chuẩn đầu vào khá cao. Đơn cử như: Trường THPT Như Thanh 20,3 điểm; Trường THPT Thạch Thành I, 19,5 điểm, Trường THPT Thạch Thành III, 17,9 điểm, THPT Mường Lát 17,7 điểm…
Nhưng việc thiếu chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 đối với các trường ở các địa bàn miền núi tỉnh Thanh Hóa không phải là vấn đề đáng lo ngại. Trước hết là do chỉ tiêu thiếu không nhiều, nên không phải giảm lớp. Như Trường THPT Hà Văn Mao, do thiếu 27 chỉ tiêu nên nhà trường sẽ giảm sĩ số học sinh khoảng dưới 40 học sinh/lớp, bảo đảm duy trì số lớp học theo biên chế.
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Có trường chỉ thiếu vài học sinh, hoặc có trường thiếu chưa tới 30 chỉ tiêu, nên vẫn có thể giữ nguyên số biên chế lớp học theo quy định. Còn nếu có tình huống thiếu hụt quá nhiều, buộc phải giảm lớp học, thì Sở sẽ có phương án điều động giáo viên dôi dư sang trường đang thiếu giáo viên”.
Theo nhận định của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, một trong những nguyên nhân khiến một số trường THPT ở các huyện miền núi tuyển không đủ chỉ tiêu là do những năm gần đây, công tác phân luồng học sinh sau THCS đã được các cơ sở giáo dục chú trọng. Vì thế, nhiều học sinh ở khu vực miền núi đã không nộp hồ sơ dự thi vào lớp 10 THPT mà chuyển sang học nghề.
Như Trường THPT Mường Lát (huyện Mường Lát), hằng năm, số lượng học sinh sau khi thi tuyển vào lớp 10, rồi mới rút hồ sơ, học bạ chuyển đi các trường nghề là khá nhiều. Năm học 2019 - 2020, sau khi kết thúc kỳ tuyển sinh vào lớp 10, Trường THPT Mường Lát có tới hơn 200 học sinh xin rút hồ sơ, học bạ để chuyển đi các trường nghề.
“Năm học 2020 - 2021, nhiều học sinh đã lựa chọn con đường không vào học THPT. Đặc biệt, các trường ở miền núi, mặc dù các em vẫn làm hồ sơ đăng ký dự thi, nhưng sau đó không tham gia thi tuyển, mà chọn cách đi học nghề. Đó cũng là một cách phân luồng học sinh tốt”, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số trường ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, nhiều học sinh lớp 9 khi chuẩn bị lên lớp 10, đã được các trường trung cấp, cao đẳng nghề về tận nơi tư vấn và định hướng cho học sinh. Các trường nghề đều cam kết đãi ngộ học sinh bằng cách hỗ trợ tiền ăn và học phí trong thời gian học. Sau khi các em hoàn thành chương trình học, nhà trường còn làm cầu nối, giới thiệu cho các em vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp...
Chính vì vậy, việc một số trường THPT ở Thanh Hóa năm nay không tuyển đủ chỉ tiêu, cũng là điều dễ hiểu. Đây cũng là chuyển biến tích cực trong phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở các địa phương miền núi.