Nhiều thủ đoạn giăng bẫy
Núp dưới “vỏ bọc” công ty dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ và bằng phương thức, thủ đoạn phát, dán tờ rơi, lập các Website, các App ứng dụng trên điện thoại, sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook đăng tin quảng cáo cho vay tiền, các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi đã giăng ra cạm bẫy khắp nơi. Mục tiêu mà các đối tượng này nhắm vào thường là những người lao động nghèo, những công nhân, hoặc tiểu thương đang gặp khó khăn về tài chính.
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, ít hiểu biết về pháp luật của bà con vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS, các đối tượng đã tung ra những với quảng cáo “có cánh”, ngọt ngào và đánh trúng tâm lý đang cần tiền của các "mục tiêu" nên họ rất dễ sa vào những chiếc bẫy tín dụng đen được giăng tứ phía, chẳng hạn như: Hỗ trợ tài chính, thủ tục nhanh gọn, giải ngân ngay, không giữ giấy tờ, không xác minh thu nhập, không lấy số người thân, thậm chí “nói không với tín dụng đen”…
Tuy nhiên trên thực tế, người dân một khi sa chân vào thì sẽ rất khó thoát ra, bởi số tiền vay thường không nhiều (từ 3 triệu, 5 triệu đến 10 triệu đồng), nhưng khi trả thì gấp rất nhiều lần số tiền đã vay, chưa kể khi giải ngân thì người vay cũng không nhận đủ số tiền như thỏa thuận ban đầu.
Rõ ràng dễ vay khi cần tiền gấp là điều ai cũng thấy, nhưng cái giá phải trả sau đó ít ai ngờ tới là khó trả dứt, là lãi mẹ đẻ lãi con. Nếu không trả, người vay còn đối mặt với những cuộc gọi khủng bố tinh thần bản thân và cả những người thân, bạn bè và thậm chí là còn bị hành hung, bị ghép ảnh, bị bêu riếu trên các trang mạng xã hội.
Triệt phá, xử lý nhiều vụ việc
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, năm 2022, cơ quan Công an các địa phương trên cả nước đã tiếp nhận, phát hiện gần 1.000 vụ/1.600 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”, qua đó khởi tố hơn 500 vụ, xử phạt hành chính hơn 150 vụ. Riêng trong đợt cao điểm ra quân trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán 2023, Công an các đơn vị địa phương đồng loạt triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng hoạt động “tín dụng đen” để răn đe, xử lý nghiêm.
Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn phổ biến, của các đối tượng là đưa ra nhiều gói vay để nạn nhân thấy số tiền lãi nhỏ, nhưng phần chi phí, phí dịch vụ tiền phạt cao, do đó lãi suất sẽ được nâng lên tính theo năm, có thể lên đến 300 - 500% thậm chí có vụ 1.000 - 1.200%.
Riêng đối với vùng đồng bào DTTS, tuy chưa có nhiều vụ việc được phát hiện, nhưng tìm hiểu từ thực tế những chiếc “vòi bạch tuộc” tín dụng đen đã vươn đến những làng quê yên bình. Một điển hình cụ thể vào tháng 12/2022, Công an tỉnh Bình Phước đã phát hiện và bắt giữ 2 đối tượng là Nguyễn Bích Đào (sinh năm 1980), và Đào Thị Mỹ Duyên (sinh năm 1993) đều trú thôn 3, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng.
Qua tính toán từ sổ sách, tài liệu, dữ liệu điện thoại thu giữ được trong quá trình bắt, khám xét và sao kê ngân hàng, bước đầu xác định, Đào Thị Mỹ Duyên lợi dụng hình thức Tiệm cầm đồ và hỗ trợ tài chính đã cho 100 người vay với 143 lượt vay, tổng số tiền Duyên cho vay là hơn 9 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã làm việc với 5 người vay, với số tiền vay là hơn 1,6 tỷ đồng; với mức lãi suất 109%/năm, Duyên đã thu lợi bất chính số tiền 348 triệu đồng.
Còn với Nguyễn Bích Đào, thì phát hiện đã cho 19 người vay với 47 lượt vay, tổng số tiền Đào cho vay là hơn 4 tỷ đồng. Đã làm việc được 1 người vay, với số tiền vay là 40 triệu đồng; với mức lãi suất 730 -1.460%/năm, thu lợi bất chính số tiền 298 triệu đồng. Đặc biệt, trong số các cá nhân đã và đang vay tiền của 2 đối tượng trên nhiều người là đồng bào DTTS.
Hay tại tỉnh Ninh Thuận, thời gian gần đây hoạt động “tín dụng đen” ở một số địa phương cũng có dấu hiệu phức tạp trở lại, nhất là tại các khu dân cư vùng biển, các chợ, vùng DTTS, trường học, cụm công nghiệp. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, qua công tác tuần tra phòng chống tội phạm, Công an tỉnh Ninh Thuận đã phát hiện bắt 8 vụ, với 13 đối tượng cho vay, lãi xuất 15 - 30%/tháng.
Công an tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, trong năm 2022, lực lượng đã phát hiện và xử lý 33 vụ, 58 đối tượng tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” (tăng 23 vụ so với năm 2021).
Cũng theo lực lượng chức năng tỉnh cho biết, các đối tượng đã chuyển dần phạm vi hoạt động về khu vực nông thôn và vùng đồng bào DTTS các huyện như: Vĩnh Cửu, Long Khánh, Trảng Bom, lãi suất mà các đối tượng này cho vay có vụ lên đến 700%/năm.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; thời gian qua, Bộ Công an đã quyết liệt chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai chuyên đề phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”.
Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động, không để các đối tượng mở rộng phạm vi hoạt động; xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có liên quan không chủ động phát hiện, đấu tranh, để đơn vị, địa phương khác xử lý.
Được biết trong tháng 3/2023 vừa qua, nhiều địa phương trong cả nước đã đồng loạt tổ chức ra quân cao điểm tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, qua đó đồng loạt tháo gỡ quảng cáo, tờ rơi cho vay tiền, hỗ trợ tài chính… được treo dán không đúng quy định tại các tuyến đường, khu dân cư, địa điểm công cộng, cùng với triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là bà con nông dân, vùng sâu vùng xa, miền núi và vùng đồng bào DTTS về việc cảnh giác trước cạm bẫy, chiêu trò ngày càng biến tướng, tinh vi của các đối tượng tín dụng đen.