Nhìn từ kết quả khảo sát, nghiên cứu
Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI), tính đến năm 2011, số lượng vượn đen má trắng đã giảm hơn 80% trong vòng 45 năm qua và chỉ còn khoảng 200 đàn trên lãnh thổ Việt Nam. Tại Nghệ An, quần thể vượn đen má trắng còn khoảng 455 cá thể, phân bố chủ yếu tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt, Pù Huống. Đặc biệt, loài này tập trung nhiều ở Khu BTTN Pù Hoạt - khu vực rừng giáp biên giới với nước bạn Lào.
Trong giai đoạn 2019 - 2020, BQL Khu BTTN đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) thuộc Hội khoa học và kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam tiến hành các hoạt động điều tra, nghiên cứu về hiện trạng, phân bố của loài vượn đen má trắng. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành thiết lập 31 điểm nghe để điều tra, nghiên cứu. Trong đó, tại khu vực rừng phòng hộ, giáp ranh với Khu BTTN Xuân Liên thiết lập 12 điểm nghe; Khu vực rừng đặc dụng trong khu vực biên giới Việt - Lào thiết lập 19 điểm nghe. Các nhà khoa học đã sử dụng nhiều phương pháp, công cụ hiện đại để điều tra, nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận, trong Khu BTTN Pù Hoạt hiện có khoảng 40 đàn với 85 cá thể vượn đen má trắng. Số lượng đàn và số lượng cá thể ghi nhận nhiều nhất vẫn là khu vực rừng giáp ranh với Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hoá. Đặc biệt, số lượng đàn và cá thế loài vượn đen má trắng trong khu vực tăng lên so với số liệu nghiên cứu công bố năm 2011 trong khu vực này.
Năm 2021, BQL Khu BTTN đã phối hợp với các nhà khoa học từ Đại học Lâm nghiệp Việt Nam tiến hành các hoạt động quan trắc đối với loài vượn đen má trắng. Đây là một trong những hoạt động thuộc Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam”. Kết quả điều tra, quan trắc một lần nữa ghi nhận Khu BTTN Pù Hoạt là khu vực phân bố và là nơi bảo tồn quan trọng nhất cho loài vượn đen má trắng ở Việt Nam.
Những thách thức trong công tác bảo tồn
Bên cạnh những kết quả đạt được, các báo cáo nghiên cứu cũng đã chỉ ra những khó khăn, thách thức trong vấn đề bảo tồn và phát triển loài vượn đen má trắng nếu không được quan tâm bảo vệ. Cụ thể là, loài vượn đen má trắng có yêu cầu cao và khắt khe về môi trường, sinh cảnh sống. Tuy nhiên, hiện nay, chúng đang bị đe doạ bởi các hoạt động săn, bắt thú rừng; khai thác gỗ; khai thác sản vật từ rừng; khai thác khoáng sản tự phát của người dân; hiện tượng lấn chiếm đất canh tác... đang làm cho không gian sống của loài linh trưởng bị ảnh hưởng và thu hẹp dần.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân và lãnh đạo chính quyền địa phương về công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn loài vượn đen má trắng nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Chưa xây dựng được một kế hoạch tổng thể trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn loài vượn đen má trắng nói riêng...
Để thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn loài vượn đen má trắng- một loài động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao, BQL Khu BTTN Pù Hoạt rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế.
Việc nghiên cứu, đánh giá và xác định kích thước quần thể và các mối đe dọa tại các khu vực vượn đen má trắng phân bố hiện nay để tìm ra các biện pháp, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phát triển loài là một trong những yêu cầu hết sức cấp thiết đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học.