Dọc hai bên đường vào xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai màu xám xịt của dây tiêu chết quấn quanh trụ. Một vài người dân đang dọn dẹp gốc tiêu chết với tâm trạng nặng nề, buồn rầu vì không biết cả gia đình sẽ sống như thế nào trong thời gian tới và làm gì để thoát khỏi cảnh khốn khó này.
Gia đình ông Mai Liệu, thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ có đến 9 người con. Các con ông đều vay ngân hàng đầu tư trồng 15ha tiêu. Ngoài ngân hàng, các con ông còn vay bên ngoài những khoản tiền “nóng” để tiếp sức cứu vườn tiêu và xoay vòng trả lãi. Trồng, chăm sóc hồ tiêu chưa kịp thu hồi vốn thì tiêu đã chết hàng loạt, bây giờ cả nhà từ già đến trẻ đều phải đi làm thuê trả nợ. Hai trong số các con của ông Liệu đã phải bán nhà, bán đất trả nợ ngân hàng nhưng nợ ngoài thì vẫn còn chất chồng. Thế hệ cháu của ông Liệu hầu hết đều nghỉ học đi làm thuê, phụ giúp cha mẹ trả nợ. “Khi đầu tư, mỗi trụ tiêu giá 250 nghìn đồng, dây tiêu 20-30 nghìn đồng nay nhiều nhà bí quá nhổ trụ bán giá 40 nghìn đồng để có tiền trang trải sinh hoạt.
Cũng rơi vào thảm cảnh, vợ chồng chị Hồ Thị Hạnh, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đang phải gánh số nợ ngân hàng khổng lồ hơn 4 tỷ đồng do 8.000 trụ tiêu của gia đình chị bị chết dù tìm mọi cách chữa trị cũng không được. Chị Hạnh cho biết: Gia đình chị đang bất lực trước món lãi hàng tháng lên đến 30 triệu đồng.
Ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Ia Blứ cho biết: Trước đây, tiêu được giá, gia đình nào kinh tế cũng khá. Thấy lãi lớn, người dân đổ xô vay vốn, thuê nhân công giá cao mở rộng diện tích tiêu. Toàn xã có khoảng 1.500 hộ trồng tiêu thì có đến 70% vay nợ ngân hàng, với số vốn khoảng 200 tỷ đồng.
Năm 2016-2017, trên địa bàn xã xảy ra tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt do bệnh chết nhanh, chết chậm với tổng diện tích toàn xã hơn 400 ha. Đến nay, từng đoàn người kéo nhau đi làm thuê ở các vùng, tỉnh lân cận và gần 1.000 người đã phải đi địa phương khác làm thuê để trả nợ.
Huyện Chư Pưh và Chư Sê là những thủ phủ hồ tiêu lớn của tỉnh Gia Lai. Theo thống kê, tại huyện Chư Sê có diện tích trồng tiêu khoảng 3.700ha, huyện Chư Pưh có 2.900ha. Những năm hồ tiêu thịnh vượng, nhờ hồ tiêu mà người dân nơi đây giàu lên trông thấy. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây hồ tiêu tụt giá thảm, cùng với thời tiết có nhiều biến đổi bất thường làm tiêu chết, không ít gia đình trắng tay, lâm nợ, bán nhà không đủ trả nợ.
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, tổng diện tích tiêu chết trên địa bàn huyện Chư Pưh là 870ha, kéo theo hơn 6.500 hộ dân gần như mất khả năng chi trả các khoản vay tại ngân hàng với tổng dư nợ lên đến 1.400 tỷ đồng, rất nhiều người đã treo biển rao bán đất.
Ông Phạm Đức Ngọc, Chánh Văn phòng huyện Chư Pưh cho biết: Huyện đã nhận rất nhiều đơn của người dân xin được giãn nợ, giảm lãi hoặc tiếp tục cho vay vốn để có điều kiện khôi phục sản xuất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Gia Lai đang chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn có kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp hỗ trợ người dân cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn giảm lãi vay. Chính quyền và ngành chức năng huyện Chư Pưh đang tìm cách giúp dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và khuyến cáo nông dân không tiếp tục trồng hồ tiêu trên đất có tiêu chết để tránh rủi ro.
Theo thống kê, tỉnh Gia Lai hiện có hơn 16.000ha tiêu, trong đó diện tích tiêu chết là hơn 406ha có và tổng dư nợ tín dụng cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu đến nay khoảng 4.000 tỷ đồng. Mặc dù các ngành chức năng đã khuyến cáo bà con không tự mở rộng diện tích hồ tiêu, đặc biệt đối với những vùng đất đã có tiêu chết thì chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển hồ tiêu ồ ạt như những năm qua đã gây hậu quả nghiêm trọng, đất bị ô nhiễm nặng không thể trồng tiêu, người dân thì trắng tay, lâm cảnh nợ nần chồng chất.
KIM VĂN - LÊ HƯỜNG