Hiện tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM của tỉnh Vĩnh Phúc đã lên đến trên 20,6 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 183 tỷ đồng, chiếm 0,89%; ngân sách địa phương hỗ trợ 6,7 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 32%; còn lại nguồn vốn từ các chương trình khác và do nhân dân đóng góp.
Tính đến thời điểm hiện tại, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch; hơn 90% đường liên xã, hơn 76% đường trục thôn, ngõ xóm và gần 61% đường giao thông nội đồng được cứng hóa; 71/112 xã có trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn; 1.072 thôn có nhà văn hóa. Toàn tỉnh có 59 chợ nông thôn được đầu tư, nâng cấp; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, trạm y tế và các công trình phụ trợ. Không chỉ có vậy, hàng trăm phòng học các cấp ở 112 xã được xây mới, cải tạo đạt chuẩn, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 348/390 trường...
Có được kết quả này là do cả hệ thống chính trị của tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt tay vào cuộc cùng sự đồng lòng, nhất trí của người dân. Nhiều phong trào thi đua được phát động, nhiều cách làm hay, sáng tạo được áp dụng.
Ở huyện miền núi Sông Lô-một huyện mới được tách ra từ huyện Lập Thạch năm 2009, cơ sở vật chất, đời sống của người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện đã xây dựng nhiều kế hoạch cụ thể, rà soát, phân loại và giao nhiệm vụ thực hiện từng tiêu chí… Các phong trào thi đua như: “5 không, 3 sạch”, “Mái ấm tình thương”, “Thanh niên Sông Lô chung sức xây dựng NTM”… đã được phát động.
Ông Hà Vũ Tuyến, Chủ tịch UBND huyện Sông Lô khẳng định, qua phong trào, người dân tự nguyện tham gia ủng hộ ngày công, đất đai và tiền mặt để xây dựng NTM. Tính riêng năm 2017, các xã trên địa bàn huyện huy động được hơn 953 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp hơn 80 tỷ đồng; hiến 15.600m2 đất; 13.420 ngày công lao động. Năm 2018, huyện tiếp tục huy động gần 950 tỷ đồng để xây dựng thêm 3 xã đạt chuẩn NTM.
Trao đổi về giải pháp trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, bà Đỗ Thị Ngọc Hân, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Trong phong trào xây dựng NTM, MTTQ các cấp trong tỉnh đã thành lập mô hình “Nhóm nòng cốt”. Nhiệm vụ của Nhóm là tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia thực hiện để hoàn thành, duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM. Từ 83 mô hình điểm đến nay đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng trên toàn tỉnh. Các huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Tam Dương đã xây dựng được 100% “Nhóm nòng cốt” tại các khu dân cư xây dựng NTM. Trong hai năm 2016-2017, MTTQ các cấp đã tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện tham gia hiến hơn 900 nghìn m2 đất; góp hơn 250 nghìn ngày công lao động và hơn 422 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
Cùng với đó, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh hoặc thâm canh với công nghệ cao. Nhiều địa phương đã xây dựng mô hình liên kết phát triển kinh tế như: Huyện Vĩnh Tường có 59 mô hình; huyện Bình Xuyên có 5 mô hình; huyện Tam Đảo có 15 mô hình... Các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung cũng từng bước được hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với mục tiêu đến năm 2019 có 100% xã và đến năm 2020 có 100% huyện đạt chuẩn NTM, Vĩnh Phúc đang tiếp tục triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội tham gia nhằm hoàn thành mục tiêu Chương trình quốc gia về xây dựng NTM.
Trong phong trào xây dựng NTM, MTTQ các cấp trong tỉnh đã thành lập mô hình “Nhóm nòng cốt”. Nhiệm vụ của Nhóm là tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia thực hiện để hoàn thành, duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM”. Bà Đỗ Thị Ngọc Hân, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Vĩnh Phúc
NGỌC TUẤN