Nhiều bất cập
Theo báo cáo của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh những hiệu quả tích cực thì TTLT 109 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong thực tế. Điển hình như: Việc bố trí giáo viên, nhân viên cho các trường DTNT còn bất cập. Chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về nhân viên phục vụ trong trường DTNT. Hiện nay, các trường DTNT ở huyện chủ yếu đang hợp đồng nhân viên nấu ăn theo thời vụ, tiền công thấp (2,1 triệu đồng/người/tháng); chưa đóng bảo hiểm cho người lao động.
Việc sắp xếp một số mục chi, định mức chi chưa phù hợp với thực tế, như chi định mức suất ăn cho HS 12.000 đồng/bữa ăn tại nhà bếp là thấp so với giá cả thị trường tăng như hiện nay.
Chưa quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống, dạy nghề truyền thống và hướng nghiệp cho HS. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, ăn, ở nội trú chưa đáp ứng được yêu cầu của trường chuyên biệt; số phòng ở nội trú thiếu nên HS phải nằm ghép... Chất lượng tuyển sinh đầu vào chưa đáp ứng được yêu cầu; một số địa phương tuyển sinh chưa đủ số lượng, khó khăn trong công tác tuyển sinh (Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh)…
Cũng theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân của thực trạng trên là TTLT 109 ban hành thực hiện trên 10 năm, một số nội dung, quy định cứng nhắc; định mức hỗ trợ thấp, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Một số nội dung cấp đồ dùng học phẩm không còn phù hợp với khối THCS và THPT.
Cần sửa đổi
Trước những bất cập trên, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT xem xét sửa đổi, bổ sung TTLT 109 cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể như nâng mức hưởng học bổng cho HS từ 80% lên 100% mức lương cơ bản, để bảo đảm mức sống, sinh hoạt tối thiểu cho HS hiện nay. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung chi hỗ trợ cho HS cho phù hợp với thực tế hiện nay và thực tế của từng cấp học.
Thầy giáo Phạm Anh Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trường có 18 lớp/1.080 HS. Hiện định mức học bổng của HS quá thấp so với mặt bằng giá cả thị trường, cần phải thay đổi. Bên cạnh đó, trang cấp cho học sinh chỉ được 1 lần, như chăn, chiếu, đồng phục thì sẽ hư hỏng trong 3 năm học. Nên Trường mong muốn được trang cấp 2 lần/khóa học.
Ngoài ra, quy định danh mục cấp ban đầu quá chi tiết, thậm chí không cần thiết như áo mưa, bút chì, thước kẻ… Cái này nên cho khung cứng để các trường linh hoạt thực hiện theo điều kiện của từng trường.
“Nhà trường cũng muốn đổi mới trong công tác tuyển sinh, mỗi lần tuyển sinh thì đều tổ chức ở các huyện miền núi, do chưa giám sát được hết nên chưa thực sự chọn được những học sinh có chất lượng vào trường. Vì vậy, chúng tôi muốn được tổ chức thi tập trung tại một điểm trường để có thể tự giám sát và chọn được học sinh chất lượng cao”, thầy Toàn đề xuất.