Là thành viên có trách nhiệm của LHQ khi công bố tham gia Công ước về quyền trẻ em, Việt Nam đã có Luật Trẻ em quy định về quyền, bổn phận của trẻ em, nguyên tắc, biện pháp thực hiện quyền trẻ em, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho thấy, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn cho 26 triệu trẻ em trong thời gian khá ngắn. Hầu hết trẻ em được đi học tiểu học và trung học cơ sở, được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, có khoảng 5,5 triệu trẻ em bị thiếu thốn trong các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nơi ở, nước và vệ sinh môi trường hoặc hòa nhập xã hội. Nhiều trẻ em vẫn không có được sự khởi đầu tốt nhất và không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, với 100 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày do nguyên nhân có thể ngăn ngừa được - con số này ở các vùng dân tộc miền núi phía Bắc cao gấp 3,5 lần.
Mặc dù người DTTS chiếm 15% tổng dân số, nhưng tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của nhóm DTTS cao gấp 3,5 lần so với người Kinh. Sự thiếu hụt về sức khỏe và dinh dưỡng cũng khiến 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, để lại tổn thương não và thể chất vĩnh viễn. Nước và vệ sinh không an toàn vẫn là nguyên nhân đáng kể gây ra các bệnh truyền nhiễm, với 3 triệu trẻ em bị thiếu nước sạch.
Ngày nay, hơn 2/3 trẻ em từ 1 - 14 tuổi vẫn chịu hình thức kỷ luật bạo lực và hơn 170.000 trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ, nhiều em sống bần cùng hoặc bị bỏ rơi…
Mới đây (ngày 23/11), tại Hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em diễn ra tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ ra rằng, về chính sách phát triển toàn diện trẻ em trong độ tuổi 0 - 8 tuổi, phải chú ý về vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục những kiến thức, hiểu biết cho trẻ, hạn chế tối đa những tiêu cực, nhất là trong môi trường gia đình, rất cần sự thống nhất và hành động thực hiện có hiệu quả trên thực tế chính sách này.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến nhóm vị thành niên, đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội bảo vệ các em. Đồng thời, cần lồng ghép các chỉ tiêu về việc thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, nhất là trong kế hoạch trung hạn 5 năm sắp tới…
30 năm trôi qua, những quyền được đề ra trong Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em cũng như những nguyên tắc của Công ước vẫn còn nguyên giá trị thực tế. Những nguyên tắc này kêu gọi Việt Nam thực hiện quyền cho tất cả trẻ em, bảo đảm nguyên tắc “dành những gì tốt nhất cho trẻ em, hướng tới tương lai”.