“Vào quân ngũ sẽ trưởng thành hơn”
Mùa Xuân này, là mùa tòng quân đặc biệt với chàng thanh niên dân tộc Chứt Hồ Thanh Hương ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Hương là lao động chính trong nhà, đang sống cùng cha mẹ già nên việc xa gia đình nhập ngũ, đã để lại trong anh những cảm xúc khó tả.
Bao năm qua, những việc làm, nghĩa cử cao đẹp của những chiến sĩ Đồn Biên phòng bản Giảng dành cho bà con bản Rào Tre đã ăn sâu vào tiềm thức, suy nghĩ cả một thời niên thiếu của Hương. Hơn hết, trách nhiệm của tuổi trẻ, nghĩa vụ của một công dân… đã khiến Hương không ngần ngại viết đơn tình nguyện để đứng vào quân ngũ.
Hương chia sẻ: Thần tượng các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cắm bản, tôi tình nguyện được vào quân đội để rèn luyện, học tập, với mong muốn trở thành những người có ích hơn.
Không chỉ Hương, bản Rào Tre còn có chàng trai trẻ dân tộc Chứt là Hồ Đình Long, tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Long đã có gia đình riêng, có con nhỏ và cuộc sống hãy còn khó khăn. Nhưng, khi Tổ quốc cần, anh đã sẵn sàng. Long hớn hở: "Người Chứt chúng tôi mang trong mình họ Hồ. Bởi vậy, ai cũng mong muốn được trở thành người lính Cụ Hồ để cống hiến và dựng xây đất nước. Tôi nghĩ rằng, vào quân ngũ thì mình sẽ trưởng thành hơn.
Khi đặt bút cho những dòng đầu tiên của bài viết này, tôi còn được biết, suốt cả dặm dài đất nước đã có bao chàng trai, cô gái người DTTS, hòa cùng nhiệt huyết của những người trẻ trên đất nước Việt Nam, tự nguyện viết đơn để được đứng vào quân ngũ. Dẫu mỗi người một hoàn cảnh, một suy nghĩ, nhưng dường như tất cả chỉ có một khát khao được cống hiến sức trẻ, được sẻ chia trách nhiệm của một công dân trước vận nước.
Ngày hội tòng quân năm nay, người Ma Coong (thuộc dân tộc Bru Vân Kiều) ở xã Thượng Trạch, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) có 8 thanh niên nhập ngũ. Thật đặc biệt, tất cả những chàng trai này đã tự nguyện viết đơn tòng quân trước ngày lên đường.
Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch Trương Tấn Hưng cho biết: Những thanh niên người DTTS viết đơn nhập ngũ, là bước chuyển biến trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ người DTTS nơi đây. Đó còn là sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Hòa trong náo nức của ngày hội tòng quân, 120 thanh niên người Pa Cô, Bru Vân Kiều nơi huyện rẻo cao Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng đã khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Rất nhiều người trẻ trong số này đã tự nguyện viết lá đơn bằng chính tâm tư, suy nghĩ mộc mạc của bản thân trước ước nguyện trở thành người lính cụ Hồ. Khí phách, phẩm chất, truyền thống của người Pa Cô trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ năm nào, nay đang rực cháy trong trái tim những người trẻ tuổi.
Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) Đặng Trọng Vân tâm sự: Nhận thức, suy nghĩ của người dân, của các thanh niên về đi nghĩa vụ quân sự đã thay đổi rất nhiều. Nhiều người cũng đã chọn lựa môi trường quân ngũ để rèn luyện, tu dưỡng.
Thêm một mùa tòng quân “đặc biệt”
Đã bước sang năm thứ hai, các đơn vị giao nhận quân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Với các tân bình, mùa tòng quân vì thế mà cũng trở nên đặc biệt hơn. Bởi ngoài việc khám sức khỏe theo yêu cầu của quân đội, thì hành trang của người lính trẻ còn phải tiêm đủ mũi vắc xin, xét nghiệm PCR trước khi xuất quân…
Tôi đã dự nhiều lễ tuyển quân ở một số địa phương và nhận ra rằng, công tác bảo đảm an toàn phòng dịch được các địa phương đặt lên hàng đầu. Thời gian giao nhận quân được rút gọn, khu vực tổ chức lễ được khử khuẩn, các tân binh được sát khuẩn và thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K…
Để ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xây dựng kịch bản với hai tình huống: Đối với cấp quận, huyện, thị xã có dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 sẽ tiến hành giao, nhận quân theo chương trình rút gọn như năm 2021 (không có phần hội), diễn ra trong thời gian khoảng 25 phút. Đối với các địa phương có dịch cấp độ 3, cấp độ 4, Thành phố báo cáo Bộ Quốc phòng cho phép, giao nhận quân trực tiếp nhanh gọn mà không tiến hành nghi lễ. Trường hợp đặc biệt địa phương không thể giao nhận quân do dịch bệnh, Thành phố sẽ báo cáo cấp trên cho lùi thời gian thích hợp trong phạm vi luật cho phép.
Trong khi đó, trên địa bàn Quân khu 4, các đơn vị nhận quân xây dựng kịch bản, phương án tiếp nhận, vận chuyển chiến sĩ mới là F1, F2 (nếu có) về đơn vị; chuẩn bị chu đáo doanh trại, nhà ở khu cách ly dự phòng, chuẩn bị tốt mọi mặt bảo đảm sinh hoạt, ăn, nghỉ cho thanh niên; sẵn sàng thu dung, điều trị, cách ly, quản lý số chiến sĩ mới về đơn vị thuộc diện F0, F1, F2 (nếu có).
Dẫu dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng không vì thế mà ngày hội tòng quân ở các địa phương bớt náo nức. Chứng kiến những lễ giao nhận quân, điều đọng lại lớn lao, rưng rưng niềm xúc động, tự hào chính là tâm tư, suy nghĩ của rất nhiều tân binh mang khát khao, hoài bão của tuổi trẻ được cống hiến, dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.
Lớp cha trước, lớp con sau, những người trẻ hôm nay lên đường tòng quân giữa mùa Xuân của đất trời, giữa mùa Xuân của cuộc đời. Những tháng ngày quân ngũ sẽ là những chuổi ngày gian khó nhưng cũng đầy tự hào, khi đó là quãng thời gian để thế hệ trẻ rèn luyện bản lĩnh, ý chí. Đó cũng chính là sự kỳ vọng của cả dân tộc, về một thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời đại mới, dám sẵn sàng xả thân, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm, sẵn sàng sẻ chia khó khăn gian khổ cùng với đất nước, với Nhân dân.