Theo truyền thống, ngay từ khi mới sinh ra, hầu hết những đứa trẻ sẽ được cha mẹ định ước hôn nhân, 2 gia đình sẽ qua lại với nhau. Lớn lên, sau khi nghe lời khuyên răn và dạy dỗ của cha mẹ, họ hàng, người thân, đôi trai gái thống nhất tiến tới hôn nhân, họ sẽ thông báo cho gia đình của mình biết và cùng nhau chuẩn bị cho đám cưới.
Đồng bào Giẻ Triêng gọi quá trình đó là Nhẹ Dăk - tức nghi lễ nối duyên của đôi trai gái. Để tổ chức lễ, hai bên gia đình nhà trai và nhà gái sẽ bàn bạc thống nhất với nhau về địa điểm tổ chức lễ, sau đó sẽ mời ông hoặc bà làm mai mối đứng ra dàn xếp mọi việc, từ lễ hỏi cho đến lễ đám cưới giữa hai gia đình.
Đám hỏi sẽ được người mai mối tiến hành vào ban đêm, lần lượt từ nhà trai sang nhà gái. Người Giẻ Triêng cho rằng, đám hỏi phải bí mật vì sợ "con nhện sa, con gián bậy", đó là cách nói bóng gió sợ những kẻ xấu bụng lời ra, tiếng vào làm ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi. Vì vậy, trong đám hỏi chỉ có những người thân tham dự.
Trong lễ hỏi, một con gà sẽ là vật hiến sinh, bà hoặc ông mai sẽ là người tiến hành lễ ăn hỏi với nghi thức cắt tiết gà. Sau đó, người nhà sẽ mang gà đi mổ lấy gan và chế biến món ăn cùng với cơm mới. Đôi trai gái sẽ cắt 1 miếng gan ăn cùng 1 nhúm cơm và uống 1 chút rượu để làm phép, sau đó hai bên gia đình nhận sui gia, thông gia. Rồi hai bên chúc tụng, ăn uống vui vẻ, không quên bàn bạc chuyện tổ chức lễ cưới. Sau đó, bên gái ra về trước và chuẩn bị đón bên nhà trai và người mai mối đến tổ chức đám hỏi tại nhà mình, các nghi lễ diễn ra như bên nhà trai. Kể từ đây, chàng trai, cô gái được phép gọi cha, mẹ đôi bên.
Lễ cưới của người Giẻ Triêng thường được tổ chức vào tháng 11 đến tháng 12 hằng năm, khi cả làng đã thu hoạch xong vụ mùa của gia đình và ăn cơm mới. Để chuẩn bị cho lễ cưới, cô gái sẽ cùng với những người bạn của mình lên rừng chặt củi để làm củi hứa hôn mà cô gái sẽ mang biếu cho nhà chồng.
Theo quan niệm của đồng bào, chỉ cần quan sát củi hứa hôn có thể đoán biết được phẩm chất, tài khéo léo của người thiếu nữ đó, giỏi giang hay vụng về. Những cây củi được chặt bằng, bó củi đều nhau, gọn gàng có nghĩa cô con dâu khéo tay.
Ngày nay, phong tục củi hứa hôn trong cộng đồng dân tộc người Giẻ Triêng được thực hiện mang tính tượng trưng. Trong mỗi dịp cưới hỏi của các cặp vợ chồng trẻ, nhà gái chỉ cần chuẩn bị 10 đến 15 bó củi để cô gái cõng về nhà chồng. Việc làm này được đưa vào nội dung của hương ước trong các buôn làng, qua đó vừa giữ được tập tục văn hóa của dân tộc, vừa bảo đảm không chặt củi phá rừng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển cây rừng.
Ngoài ra, cô gái còn chuẩn bị những bộ trang phục thổ cẩm với hoa văn đặc sắc cho mình và làm lễ vật cho nhà trai. Việc dệt được những tấm thổ cẩm đẹp cũng thể hiện sự tài hoa, khéo léo và tinh tế của người phụ nữ, đây cũng là một trong những thước đo đánh giá phẩm chất của người phụ nữ. Người dệt vải thổ cẩm càng đẹp, càng nhiều hoa văn thì càng chứng tỏ người đó giỏi giang.
Khi mọi công việc chuẩn bị cho một đám cưới được hoàn tất, người Giẻ Triêng chọn ngày lành tháng tốt để cõng củi sang nhà trai, chàng trai chuyển cho bố mẹ để họ xếp lượt đầu tiên. Công việc này giống như việc mở móng, động thổ xây nhà ở. Những người thân và người quen được mời và được thông báo, nếu họ có bà con bên nào thì về bên đó. Nếu cô dâu chú rể cùng làng, thì họ được tổ chức đám cưới cùng ngày, nếu khác làng thì thường tổ chức vào hai ngày khác nhau để họ có điều kiện vui với dân làng ở cả hai nơi.
Lễ cưới của nhà trai sẽ được những người họ hàng cùng góp lại, sau khi nhà trai chuẩn bị thức ăn xong, người mai mối sẽ thông báo cho nhà gái sang để tiến hành làm lễ, nhà trai chuẩn bị 1 con heo, ghè rượu để làm lễ.
Việc đầu tiên người mai mối sẽ mời bố đẻ của cô gái cầm con dao để cắt tiết của con heo, họ hàng sẽ cầm vạt áo của cô dâu để cầu con cháu đầy đàn, cuộc sống no đủ, những đứa con nhỏ của họ sẽ không đau ốm, không khóc đêm. Lúc này người mai mối sẽ đặt tay lên ghè rượu khấn rằng “hứa hẹn với nhau, yêu thương nhau, sinh nhiều con cái, sống với nhau đến nhắm mắt, xuôi tay".
Từ xa xưa, phong tục hôn nhân của người Giẻ Triêng đã rất văn minh: một vợ, một chồng, chung thủy. Nếu chẳng may, một trong hai người đi trước, thì ít nhất một năm sau người còn sống mới được thay đổi tình cảm, mới được lấy người khác”.
Nghi lễ tổ chức cưới ở nhà gái được thực hiện vào ngày hôm sau. Nhà gái sẽ thông qua người mai mối mời nhà trai qua. Trình tự các nghi lễ được thực hiện như bên nhà trai.
Để tổ chức đám cưới, nhà trai cũng như nhà gái phải chuẩn bị từ 10 đến 30 ghè (ché) rượu. Số rượu này một phần do gia đình chuẩn bị trước, một phần do người trong dòng tộc, người thân cho, tặng. Đối với thực phẩm, bò và heo được mổ thịt ngay trong đêm, một số thịt được nướng sơ rồi sau đó mới mang đi để chế biến thành các món ăn. Số thịt heo, thịt bò còn lại được xẻ thành từng miếng gần bằng nhau, xâu bằng lạt tre để làm quà chia đều cho bà con, họ hàng, người mai mối. Lúc này, tiếng chiêng mới vang lên, mọi người cùng nhau nhảy múa, uống rượu theo nhịp cồng chiêng từ nhà trai sang nhà gái.
Vừa qua, đồng bào Giẻ Triêng đến từ tỉnh Kon Tum đã tái hiện Lễ cưới truyền thống của dân tộc tại không gian làng dân tộc Giẻ Triêng, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) nhằm quảng bá việc gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình tới đông đảo du khách tham quan.