Khó do địa bàn đặc thù
Cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 (gọi tắt là cuộc điều tra) được tiến hành trên phạm vi 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó có 51 tỉnh, thành phố có xã thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và 03 tỉnh, thành phố có các đơn vị hành chính cấp xã có nhiều người DTTS sinh sống gồm: TP. Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh.
Trong cuộc điều tra năm 2024, tiêu chí xác định địa bàn điều tra được quy định, là địa bàn có số lượng người DTTS đang sinh sống chiếm từ 15% trở lên (năm 2019 là 30%). Do đó, tổng số huyện được chọn mẫu điều tra đã tăng lên từ 437 huyện (năm 2019) lên 472 huyện; trong đó, nhiều huyện có toàn bộ địa bàn được chọn mẫu điều tra; tổng số địa bàn điều tra được chọn mẫu tăng từ 14.660 địa bàn (năm 2019) lên 14.928 địa bàn (năm 2024).
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cuộc điều tra sử dụng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp. Đối với điều tra hộ, các Điều tra viên sẽ đến từng hộ để thu thập các thông tin về: Nhân khẩu học của dân số; giáo dục; di cư; hôn nhân; sử dụng bảo hiểm y tế; việc làm; lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10 - 49 tuổi và các thông tin về người chết; nhà ở và điều kiện sinh hoạt; đất ở, đất sản xuất; một số loại gia súc chủ yếu; tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ.
Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với các Điều tra viên, nhất là việc thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội phải đến từng hộ ở các thôn, bản. Kết quả điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ lệ đường giao thông từ trung tâm xã về thôn, bản ở vùng DTTS và miền núi được cứng hóa mới đạt 88,79%; còn lại là đường rải sỏi, đá hoặc đường đất; khoảng cách trung bình từ các thôn đến trung tâm xã là 8,9km... Những khó khăn này đòi hỏi các Điều tra viên phải nỗ lực để vượt qua.
“Đối với những hộ không hợp tác trong quá trình điều tra, điều tra viên cần phối hợp với trưởng thôn, già làng, Người có uy tín, để vận động, giải thích tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra để người dân hiểu và hợp tác tốt trong quá trình thu thập thông tin”.
Ông Vũ Quốc Dũng,
Cán bộ Tổng cục Thống kê.
Theo ông Vũ Quốc Dũng, cán bộ Phòng Thu thập và Quản lý dữ liệu hành chính, Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin Thống kê (Tổng cục Thống kê), ngoài những khó trên, khi về thôn bản, cán bộ điều tra còn gặp những tình huống phát sinh, gây cản trở cho việc thu thập thông tin kinh tế - xã hội hộ DTTS.
Đơn cử là tình huống, sau quá trình “trèo đèo, lội suối” vào tận nhà, nhưng người dân lại vắng mặt do đi nương, đi rẫy; hoặc thông tin hộ được cung cấp cho Điều tra viên trước, nhưng khi đến lại không còn do đồng bào du canh, du cư...
Đây là tình huống có khả năng xảy ra trong quá trình thực hiện điều tra thông tin hộ, xuất phát từ tập quán sản xuất, sinh hoạt của một bộ phận đồng bào DTTS. Cuộc điều tra năm 2019 đã cho thấy, vẫn còn 1.296 hộ, với 5.032 khẩu người DTTS còn du canh du cư. Đó là chưa kể, một số hộ có đăng ký địa chỉ nhà ở, nhưng chủ yếu sinh sống, sản xuất ở nương rẫy, cách xa nơi ở.
“Với trường hợp này, Điều tra viên có thể phỏng vấn những người trưởng thành khác trong hộ. Trường hợp cả hộ có thể vắng mặt trong suốt quá trình điều tra, thì Điều tra viên gọi điện hẹn để phỏng vấn trực tiếp chủ hộ và các thành viên trong hộ vào thời gian thích hợp; nếu không được, Điều tra viên có thể phỏng vấn qua điện thoại”, ông Dũng tư vấn.
Lưu ý phong tục, tập quán của đồng bào
Cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, với hộ DTTS được triển khai theo phương pháp điều tra mẫu; riêng với các dân tộc rất ít người thì được điều tra toàn bộ các hộ.
Văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán tại mỗi địa phương của đồng bào các DTTS khác nhau nên việc tiếp cận đối tượng điều tra sẽ gặp khó khăn, nhất là với những cộng đồng có các tập tục lạ, chưa nhiều người biết đến.
Đơn cử, vào tháng 2 hoặc tháng 6, tháng 7 âm lịch (trùng với thời điểm điều tra) đồng bào dân tộc Tày, Thái, Giáy, Lào, Bố Y, Xá Phó... ở một số địa phương thường cúng thần làng, xua đuổi ma ác. Khi thực hiện nghi lễ, đồng bào không muốn người lạ vào nhà...
Theo ông Vũ Quốc Dũng, cán bộ Phòng Thu thập và Quản lý dữ liệu hành chính, Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin Thống kê, với những tình huống này, trước khi đến địa bàn điều tra, Điều tra viên, cần tìm hiểu kỹ thông tin của địa bàn thông qua Trưởng thôn hoặc người am hiểu, thông thuộc địa bàn và phong tục tập quán để công tác thu thập thông tin đạt kết quả tốt nhất.
Trong quá trình điều tra hộ DTTS, một trong những thông tin mà Điều tra viên phải thu thập là lịch sử sinh, sức khỏe sinh sản và tình hình sử dụng các biện pháp tránh thai đối với phụ nữ từ 10 - 49 tuổi; phương pháp thu thập là phỏng vấn trực tiếp từng phụ nữ.
“Với tình huống này, Điều tra viên thực hiện phỏng vấn trực tiếp cần tránh sự có mặt của người thứ ba vì sự có mặt của nhiều người khi phỏng vấn thu thập thông tin sẽ không chính xác. Trường hợp phụ nữ từ 10 - 49 tuổi vắng mặt suốt trong quá trình điều tra, Điều tra viên cần xin số điện thoại để hẹn gặp phỏng vấn vào thời gian thuận tiện, trường hợp không thể gặp trực tiếp điều tra có thể phỏng vấn qua điện thoại”, ông Dũng chia sẻ.
Một vấn đề cũng được ông Vũ Quốc Dũng lưu ý là, cuộc điều tra được thực hiện từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 15/8/2024. Đây là thời gian mà thời tiết diễn biến cực đoan; nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc thường xảy ra mưa lũ lớn, nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét,...
“Điều tra viên cần lưu ý xem dự báo thời tiết, tìm hiểu thông tin địa bàn qua những người am hiểu địa hình, văn hóa của địa bàn điều tra để quyết định thời gian di chuyển cho phù hợp. Điều tra viên cần lên kế hoạch chi tiết, ưu tiên thực hiện thu thập thông tin ở địa bàn khó khăn trước nhằm giảm thiểu rủi ro”, ông Dũng lưu ý.
Theo khuyến nghị của Tổng cục Thống kê, chất lượng số liệu do Điều tra viên thu thập tại địa bàn điều tra có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chính sách đối với vùng DTTS và miền núi cũng như từng cá nhân người DTTS. Do đó, việc cung cấp thông tin cho điều tra đầy đủ, chính xác, kịp thời là góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi.