Ở tuổi trên 60, ông không còn xông xáo, sôi nổi tham gia các cuộc thi hát dân ca, dân vũ như những năm còn làm chuyên trách văn hóa của xã Châu Quang, nhưng cái chất nghệ sĩ vẫn còn thấm đẫm trong tâm hồn ông. Để rồi khi gặp lại bạn bè một thuở xông pha chiến trường, gặp lại những người từng làm công tác văn hóa, ông lại cùng đồng đội, bạn bè ôm đàn guitar ngân nga những giai điệu nhuôn, lăm (dân ca Thái) thiết tha, đằm thắm, những giai điệu về Tổ quốc hào hùng.
Nghệ sĩ Sầm Quang Lý sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Khủn Tinh (huyện Quỳ Hợp). Tuổi thơ được đắm mình trong lời ru, tiếng hát của bà, của mẹ cùng những giai điệu nhuôn, lăm, khắp xuối của quê hương cứ ngân nga trong tâm hồn giàu cảm xúc của cậu bé.
Từ niềm yêu thích dân ca, dân vũ của quê hương và khả năng cảm thụ tốt về âm nhạc, khi gia nhập vào quân đội (năm 1973), ông được xung vào đội văn nghệ của đơn vị tại Bình Trị Thiên (nay thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị). Thời gian này, ông bắt đầu mày mò học nhạc lý và tập chơi các loại đàn, sáo, nhị…
Năm 1980, Sầm Quang Lý phục viên trở về quê hương, thời điểm này, phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương đang được phục hồi, phát triển mạnh mẽ sau những năm đất nước kết thúc chiến tranh. Người cựu chiến binh mang sẵn trong mình dòng máu nghệ sĩ “có đất để dụng võ”. Ông hăng hái, nhiệt tình tham gia vào các phong trào, hội diễn văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương và gặt hái được nhiều giải thưởng cao ở cả cấp huyện và cấp tỉnh.
Từ phong trào văn nghệ quần chúng, ông được lãnh đạo xã Châu Quang mời làm cán bộ chuyên trách văn hóa xã, kiêm bưu tá xã. Có kiến thức nhạc lý từ thời đi bộ đội, lại am hiểu các làn điệu dân ca Thái, nghệ sĩ Sầm Quang Lý bắt đầu mày mò tự sáng tác các bài hát mới dựa trên chất liệu dân ca quê hương. Gần 10 năm làm cán bộ chuyên trách văn hóa xã, người nghệ sĩ của bản Mường đã sáng tác được khá nhiều bài hát lời mới dựa trên chất liệu dân ca của dân tộc Thái, đưa phong trào văn hóa, văn nghệ của xã Châu Quang vươn lên đứng thứ nhất, nhì trong huyện.
Nhiều sáng tác mới và các tiết mục văn nghệ do ông dàn dựng, sáng tác đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng và giám khảo, mang về giải cao cho xã nhà, huyện nhà. Tiêu biểu như ca khúc “Cảm xúc Kim Liên”, đạt giải A-Liên hoan tiếng hát làng Sen tỉnh Nghệ An năm 1995; “Dâng Người khúc hát lăm”; “Di chúc Bác giục chúng con đi”; “Cùng về thăm quê Bác”… giải B Liên hoan tiếng hát làng Sen tỉnh Nghệ An những năm 1996-1999; “Tâm tình đôi bạn trẻ”-giải A tiếng hát Truyền thông Dân số tỉnh Nghệ An; “Bản Mường ơn cụ Hồ”; giải B Tiếng hát Truyền hình tỉnh Nghệ An năm 2000…
Năm 2001, do điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhạc sĩ Sầm Quang Lý xin nghỉ phụ trách văn hóa xã. Ông trở về với công việc đồng ruộng nhưng niềm đam mê văn nghệ chưa bao vơi cạn trong tâm hồn. Ông tâm sự: “Thỉnh thoảng, tôi vẫn sáng tác nhạc, viết lời bài hát mới và dàn dựng các tiết mục múa, hát cho đội văn nghệ các thôn, xóm người Thái tại địa phương để tham dự các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng các cấp. Mới đây, tôi vừa dàn dựng một chương trình dân ca, dân vũ dân tộc Thái khá công phu để tham dự sân chơi “Quê mình xứ Nghệ”, được khán giả truyền hình trong tỉnh đánh giá cao”.
Nhạc sĩ Sầm Quang Lý cũng mong muốn, chính quyền địa phương sớm thành lập CLB Bảo tồn dân ca, dân vũ dân tộc Thái để những nghệ nhân cao tuổi có điều kiện truyền dạy lại những bài hát dân ca dân tộc cho thế hệ trẻ trước khi tuổi của họ đã xế chiều.
NGỌC ÁNH