Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm, trao đổi với công nhân đang làm việc tại Nhà máy may Minh Anh Con Cuông - Ảnh: P.BằngĐi ra khỏi rừng để… làm công nhân
Với rất nhiều người dân Đan Lai, thì đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Lâu nay, cuộc sống của họ cứ bám riết với rừng, với nương rẫy trong thẳm sâu đại ngàn; quẩn quanh với đói nghèo, lạc hậu. Thành ra, đi làm công nhân ở các nhà máy là một cái gì đó quá lớn lao, vượt xa suy nghĩ của bao người.
Nhưng thực tế thì sao? Hôm nay, đã có những người phụ nữ Đan Lai rời bản, rời núi… ra vùng ngoài làm công nhân. Dẫu bước đầu con đường đi làm công nhân hãy còn gập ghềnh như đường về bản, nhưng đó là tất cả sự nỗ lực, cố gắng của chính những người phụ nữ xưa nay chưa từng rời khỏi bản làng.
Chị Lê Thị Dung ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, công nhân Tổ may 01, Công ty cổ phần may Minh Anh Con Cuông tâm sự: Làm công nhân ngay trên bản làng quê hương, mình yên tâm hơn vì không phải xa nhà, các công nhân khác cũng là người địa phương nên thuận lợi trong giao tiếp, trong sinh hoạt. Vào đây, công việc và thu nhập ổn định, cuộc sống bớt khó khăn hơn nhiều.
Đăng ký tuyển dụng làm công nhân Công ty Cổ phần may Minh Anh Con CuôngTôi cứ nhớ mãi hình ảnh của các chị, những bàn tay vốn quen với cuốc cày, lem luốc và chai sần vì cấy hái trên nương rẫy… nay thoăn thoắt theo những đường kim mũi chỉ. Hình ảnh ấy đã khấp khởi ngay trên hành trình chúng tôi trở về Công ty cổ phần may Minh Anh Con Cuông và thực sự vỡ òa khi bản thân chứng kiến họ làm việc trên những băng chuyền.
Trong gần 1.000 lao động hiện đang làm việc tại Công ty Cổ phần may Minh Anh Con Cuông, có biết bao người lần đầu ra khỏi rừng, ra khỏi bản để làm công nhân. “Chúng tôi chưa thống kê, nhưng tôi nghĩ là nhiều. Thì anh cứ nghĩ xem, các nhà máy thường đóng ở thành phố hay vùng đồng bằng, xa xôi so với nơi ở của người dân vùng miền núi. Thế nên, lạ môi trường sống, không quen phong tục… cũng là lí do nhiều lao động các DTTS miền Tây xứ Nghệ vẫn mãi quẩn quanh với núi rừng. Nay nhà máy về tại bản làng tuyển lao động, tổ chức sản xuất, thế nên lao động địa phương là người DTTS tham gia tại các băng chuyền nhiều hơn cũng không có gì lạ”, bà Vi Thị Nguyệt - Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Con Cuông chia sẻ mà như giải thích.
Làm công nhân may thì được những gì? Hẳn là nhiều lao động vùng DTTS miền Tây xứ Nghệ đã tự đặt câu hỏi ấy. Còn chúng tôi, thì thấy rằng, mới hôm qua, hôm kia, họ hãy còn là những lao động tự do. Cuộc sống thường ngày bám rừng, bám rẫy trong bộn bề khó nhọc. Mà nay, trong màu áo đồng phục, sau những tháng ngày miệt mài học nghề… họ thành những công nhân nuôi khát vọng đổi đời ngay chính trên bản làng quê hương.
Công nhân Công ty Cổ phần may Minh Anh Con Cuông trên băng chuyền - Ảnh: X.HoàngVì người lao động
“Lên núi” là một cụm từ không dễ dàng với rất nhiều nhà máy, công xưởng. Cụ thể nhất là với ngành nghề công nghiệp nhẹ như may mặc, cần nhiều lao động, cần diện tích lớn để xây dựng nhà xưởng. Bởi họ sẽ đối mặt với những muôn vàn khó khăn về mặt bằng xây dựng, về tay nghề và tác phong làm việc của người lao động, về quãng đường vận chuyển nguyên liệu để sản xuất cũng như thành phẩm sau hoàn thành…
Nhưng, tất cả những rào cản này đã được hóa giải nhanh chóng. Sau rất nhiều lời chào mời của huyện Con Cuông, gồm cả những cam kết, cả những lời hứa và những hành động quyết tâm… thì một nhà máy may công suất những 3.000 lao động đã được vận hành tại xã Chi Khê. Hiện tại, Nhà máy đã thu hút gần 1.000 lao động vùng miền Tây xứ Nghệ thuộc các huyện như Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn về làm việc. Nhà máy về bản đã giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề về ly nông không ly hương, giảm áp lực cuộc sống lên rừng, tạo cơ hội việc làm và thu nhập ổn định… cho những cư dân miền núi.
Vì người lao động, vì nỗ lực giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội… những chính sách thu hút, hỗ trợ người lao động làm việc tại doanh nghiệp may này đã được địa phương gấp rút triển khai như: hỗ trợ chi phí đi lại, nhà ở trong thời gian lao động học nghề. Thậm chí, lãnh đạo huyện còn đến tận Nhà máy, để túc trực trong vai trò là cầu nối. Ông Việt kể: Khi doanh nghiệp bước vào sản xuất, huyện cử tổ công tác đến tận xưởng để trực. Đặc tính của đồng bào là dễ tự ái, nên chúng tôi, với vai trò cầu nối, phải trao đổi với người quản lý của doanh nghiệp về cách thức truyền đạt tới công nhân. Rồi vấn đề chất lượng bữa ăn ca, mức thu nhập tối thiểu cho người lao động, hay việc từng bước hình thành tính kỷ luật lao động...
Được biết, nhiều lao động đang làm việc ở các tỉnh thành khác cũng đã rục rịch trở về quê để xin vào Công ty may Minh Anh bởi việc đi lại sẽ gần và thuận tiên. Một bước đi mà nhiều lao động chia sẻ là tiện cả đôi đường.
Xin được kết thúc bài viết này bằng lời tâm sự trách nhiệm, tâm huyết của Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Con Cuông, ông Lương Đình Việt rằng: Cái được lớn nhất là giải quyết được bài toán việc làm một lượng lao động nhất định, trong đó có nhiều đồng bào DTTS. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực kết nối với phía công ty để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân ở xa, tạo thuận lợi cho họ yên tâm lao động. Khi việc làm được đảm bảo thì tự khắc an sinh xã hội cũng sẽ tốt hơn.