Xóa mờ “khoảng tối” hủ tục
Cách trung tâm xã 6km, thôn Hòn Lau nằm khuất sau những dãy núi cao. Bao đời nay 88 hộ dân người Dao sống quần cư bên nhau với những “nếp ăn, nếp ở” riêng biệt. Nơi đây người dân lưu giữ phong tục đẹp mang đậm bản sắc như: phụ nữ tự làm trang phục truyền thống, tục lệ cầu làng, lễ cấp sắc… Song hành là những tập tục lạc hậu ăn sâu trong tiềm thức khiến cuộc sống bà con gặp không ít khó khăn, vất vả.
Từ chuyện ma chay kéo dài 2 ngày, 2 đêm. Người nhà của người chết phải đi đến từng nhà trong xóm để thông báo với mọi người là gia đình có người mất. Mộ người chết thường được đặt ở các bìa rừng, dưới thung lũng hoặc chôn ngay tại vườn nhà.
Còn lễ cưới của người Dao mang đậm tính mê tín. Trai gái yêu nhau, hai gia đình phải đi xem thầy, nếu thầy phán không hợp nhau sẽ ngăn cản. Còn nếu được ưng thuận thì nhà trai đối mặt với tục thách cưới bởi lễ vật quy ra hàng chục triệu đồng. Chưa kể đến việc có nhà tổ chức đám cưới kéo dài hằng tuần, ăn uống rượu chè ngày này qua ngày khác, vừa ảnh hưởng an ninh trật tự mà lại vô cùng tốn kém...
“Khoảng tối” hủ tục đó tồn tại như kéo lùi cuộc sống bao gia đình. Ngay từ khi mới nhận nhiệm vụ trưởng thôn, chàng trai trẻ Trần Văn Thanh tâm niệm chỉ có xóa bỏ những tập tục lạc hậu đó thì bản làng mới phát triển được.
Việc vận động tuyên truyền những tưởng giản đơn thế nhưng bắt tay vào thực hiện lại vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía dân bản. Có người còn quy cho anh cái tội “vắt mũi chưa sạch” lại dám dạy khôn và đi ngược lại tập tục bao đời.
Không nản chí, anh bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức ngay trong chính gia đình, họ tộc mình. Anh lý giải, Bác Hồ từng nói rằng “một trăm bài diễn văn hay không bằng một tấm gương tốt” thế nên để mọi việc thành công thì chính gia đình, dòng tộc mình phải làm gương trước cho bà con.
Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, Thanh linh hoạt trong cách tuyên truyền. Trưởng thôn trẻ khéo léo đưa ra dẫn chứng như hệ lụy gây tốn kém, mất an ninh trật tự khi tổ chức đám cưới, đám ma rình rang nhiều ngày; cảnh nợ nần túng quẫn của nhiều cặp vợ chồng vì tục thách cưới; ô nhiễm môi trường khi chôn cất người chết gần nhà… Anh tranh thủ sự thân tình giải thích trưởng họ, Người có uy tín. Khi có cơ hội, anh cùng mọi người “mục sở thị” những mô hình ở địa phương khác thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang.
Để thay đổi tập quán không phải “một sớm một chiều” thế nhưng nhờ “mưa dầm thấm lâu” mà nhận thức người dần dần thay đổi. Nhiều gia đình trong dòng họ chủ động cắt bỏ lễ nghi rườm ra trong ma chay, cưới hỏi. Từ đó có những tấm gương nối tiếp nhau, trở thành phong trào, nếp sống mới trong bản làng người Dao.
Ông Lý Văn Điệp là một người cao tuổi trong thôn cho biết: “Nhờ được trưởng thôn Trần Văn Thanh tận tình giải thích tuyên truyền chúng tôi hiểu ra sự tốn kém, lạc hậu trong việc tổ chức tang ma, cưới xin. Các gia đình noi gương nhau chủ động cắt bỏ những thủ tục rườm rà. Giờ đây người Dao cũng quen và tin rằng: Tổ tiên bây giờ cũng chả thích cúng nhiều, nói lâu nữa. Con cháu chỉ cần thành tâm là được thôi. Ví như trước đây, đám cưới mất tới 3 ngày 3 đêm thì giờ chỉ còn 2 ngày 1 đêm; lễ cấp sắc trước phải mất tới 3 ngày 2 đêm giờ chỉ còn 1 ngày 1 đêm; chuyện thách cưới cũng chỉ còn là tượng trưng.
Tiên phong mô hình kinh tế mới
5 năm trở về trước, Hòn Lau được coi là “thủ phủ” của nông sản ngô, sắn... Đất bạc màu, ngô mất giá, những khoảnh đồi bắt đầu bị bỏ hoang. Nhận thấy trách nhiệm phải giải bài toán “tìm hướng đi phát triển kinh tế”, trưởng thôn Trần Văn Thanh đứng trước bao nhiêu đắn đo.
Ý tưởng trồng chè, biến Hòn Lau thành Hợp tác xã chè được manh nha và ra đời ngay sau đó. Những tưởng đó là hướng đi đúng, vậy mà chỉ sau vài năm hạ thổ cây chè không hợp thổ nhưỡng trở nên khẳng khiu, sâu bệnh. Bao nhiêu sức lực, vốn liếng cùng niềm hy vọng về sự đổi đời như trôi xuống sông. Ai nấy cay đắng nhận ra bài học về sự chủ quan, thiếu kinh nghiệm thực tế. Sau bao đêm gần như thức trắng, anh cùng người già trong bản quyết định “làm bạn” với cây bưởi. Người đồng tình thì ít còn người e ngại, hoài nghi thì nhiều. Nói đi đôi với làm, anh tiên phong trồng thử nghiệm 300 gốc bưởi Soi Hà. Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng đúng khoa học-kỹ thuật nên vườn bưởi phát triển tốt, đem lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình (200 triệu đồng/năm). Tin theo lời trưởng thôn, nhiều hộ dân hăng hái cải tạo đồi tạp để phát triển kinh tế.
Cả thôn có 88 hộ thì 70 hộ trồng bưởi: Hộ anh Lý Văn Đông trồng 200 gốc bưởi, hộ anh Trần Văn Thêm có 200 gốc; Lý Văn Thông có 500 gốc… Nguồn thu nhập từ cây ăn quả mang lại cho nhiều hộ sự khấm khá rõ nét. Hộ chị Bàn Thị Hà, mỗi năm thu nhập gần 400 triệu đồng, có vốn chị mua thêm 10 con trâu, dựng căn nhà sàn bằng gỗ đánh véc ni sáng bóng. Trồng cây ăn quả như “luồng gió mới” làm thay cuộc sống người dân nơi đây. Trước đây thôn có quá nửa là hộ nghèo, nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 15%, hộ khá giả chiếm 60%. Con cháu học hành thành đạt, thôn hiện có 15 cháu học đại học, cao đẳng.
“Nói được làm được” giờ đây mỗi lời nói của trưởng thôn trẻ Trần Văn Thanh có “sức nặng” như đá. Mọi công to việc lớn đều được anh lo chu toàn, khéo léo. Từ việc hiến đất xây dựng 3.000m2 nghĩa trang hay góp công, góp của xây dựng đường bê tông, nhà văn hóa trở nên dễ dàng hơn. Thôn làm được gần 4km đường bê tông, nhà văn hóa có quy mô rộng 54m2.
Nhiều năm liền trưởng thôn Trần Văn Thanh là Người có uy tín của bản làng. Năm 2018, anh là đại diện trẻ nhất của tỉnh được dự Lễ Tuyên dương Người có uy tín tiêu biểu các tỉnh vùng Tây Bắc. Đối với anh, đó là niềm vui cũng là trách nhiệm để tiếp tục cống hiến sức trẻ cho quê hương.
GIANG LAM