Nghệ nhân Ưu tú Mẫu Thị Bích Phanh, sinh năm 1962, từng là học viên của Trường Dân tộc Trung ương (ở Mễ Trì - Hà Nội) những năm 1960. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ đa khoa (niên khóa 1970 - 1976) của Trường Đại học Y khoa miền núi tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên), đến năm 1977, bà Phanh trở về Ninh Thuận công tác.
Trong quá trình công tác, bà luôn trăn trở giữ gìn văn hóa dân tộc Raglay. Bà chia sẻ, để giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa truyền thống nếu chỉ bằng trí nhớ sẽ bị mai một dần, vì không ai có thể nhớ hết được mà phải có chữ viết riêng để lưu giữ những nét văn hóa đó. “Chính vì vậy, tôi quyết định dùng các mẫu tự Latinh để ký hiệu các từ, tiếng nói của dân tộc Raglay”, bà Phanh tâm sự.
Theo đó, gần 30 năm qua, bà Phanh đã dày công sưu tầm, nghiên cứu tài liệu dạy học chữ Raglay. Vào năm 2017, khi được UBND tỉnh Ninh Thuận mời tham gia biên soạn bộ chữ viết Raglay để dạy cho công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào DTTS, bà Phanh tích cực tham gia cùng các nhà nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ học biên soạn, chỉnh sửa thống nhất bộ chữ, vần âm, một số điểm kết cấu theo hệ ngữ âm Raglay để thiết kế bộ tài liệu giảng dạy hoàn chỉnh “Tài liệu tiếng Raglay” với 10 chủ đề gồm 38 bài học bằng song ngữ Raglay - Việt dựa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nội dung dạy học tiếng dân tộc Raglay bao gồm, các kiến thức về ngữ âm, chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp, làm văn, luyện nghe, luyện nói. Các bài học theo chủ đề: Đảng và Bác Hồ; Gia đình - dòng tộc; làng xã; thiên nhiên - môi trường; văn hóa dân tộc; đất nước - con người; lao động - sản xuất; khoa học - giáo dục; chăm sóc sức khỏe; bảo vệ Tổ quốc...
Qua thời gian hiệu chỉnh, tháng 10/2019, UBND tỉnh Ninh Thuận chính thức phê chuẩn “Bộ chữ viết tiếng dân tộc Raglay”, đồng thời triển khai kế hoạch ứng dụng bộ chữ viết tiếng dân tộc Raglay trong các hoạt động văn hóa, giáo dục, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Raglay.
Nói về ý nghĩa của bộ chữ viết, ông Trần Văn Toàn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bác Ái chia sẻ: Dưới góc độ văn hóa, một dân tộc có ngôn ngữ, có chữ viết riêng là một dân tộc phát triển bền vững. Từ chữ viết sẽ truyền tải suy nghĩ, tiếng nói, nền văn hóa dân gian lưu truyền bằng trí nhớ sẽ được thể hiện bằng chữ viết để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bà Mẫu Thị Bích Phanh là người có đóng góp rất lớn đối với việc xây dựng bộ chữ viết tiếng dân tộc Raglay. Bộ chữ viết giúp các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa tiếp cận với nền văn hóa dân tộc Raglay được thuận lợi hơn.