Khiến "đất đẻ ra tiền"
Chị Đàm Thị Tâm sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở vùng đất Lục Sơn – nơi có đến 98% là đồng bào dân tộc Cao Lan. Trước đây, kinh tế gia đình chị Tâm chỉ trông vào nguồn thu từ một vụ lúa với diện tích canh tác hạn chế, sản xuất theo hướng truyền thống, lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên năng suất bấp bênh. Bao năm chăm chỉ làm lụng nhưng cuộc sống cơ cực vẫn đeo bám, năm 2016, gia đình chị Tâm vẫn thuộc hộ nghèo trong xã.
Năm 2019, được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lục Sơn động viên và tạo điều kiện, chị mạnh dạn vay 120 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để cải tạo đất trồng, mua phân bón, mua cây giống, chăm sóc vườn đồi, mua trang thiết bị nông nghiệp để khiến "đất đẻ ra tiền". Cùng với đó, chị chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn của địa phương để có thêm kỹ năng làm kinh tế nông nghiệp áp dụng trồng bạch đàn, trồng vải, nhãn,…
Chỉ trong vài năm mô hình kinh tế trồng gối vụ với những cây trồng có giá trị kinh tế cao đã mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 200 đến 300 triệu đồng trong một lần thu hoạch. Không dừng lại ở đó, gia đình chị Tâm đã không ngừng mở rộng quy mô canh tác. Đến nay diện tích vườn của gia đình chị đã đạt gần 10ha bao gồm nhãn, vải thiều, keo, bạch đàn... Những thành công này không chỉ giúp gia đình chị thoát nghèo, cải thiện kinh tế, xây dựng nhà cửa, an cư lập nghiệp.
"Khi chưa biết đến nguồn vốn chính sách xã hội, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Gia đình chỉ làm ruộng được ít thóc còn không đủ ăn, chứ không dám nói đến no đủ, dư giả. Theo tôi thấy vốn của Ngân hàng chính sách xã hội ưu tiên đồng bào DTTS rất hiệu quả, lãi suất thấp, đáo hạn dài, tạo điều kiện cho bà con đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, sớm thoát nghèo”, chị Tâm chia sẻ.
Nhiều đóng góp cho địa phương
Không chỉ giỏi làm ăn phát triển kinh tế, người phụ nữ Cao Lan này còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương trong vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ xã Lục Sơn và Phó trưởng thôn Vĩnh Ninh.Trong khoảng thời gian từ năm 2020 – 2023, chị Tâm đã cùng các ban, ngành, đoàn thể vận động bà con trong xã tham gia giúp đỡ hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, các hộ có nhà tạm, dột nát, gia đình chính sách bằng các việc làm thiết thực như ủng hộ vật chất, ngày công để xây dựng nhà mới giúp các hộ ổn định cuộc sống...
Điểm đáng chú ý trong hoạt động xã hội của chị Đàm Thị Tâm, là việc ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bình đẳng giới. Chị đã ứng dụng các nền tảng xã hội như zalo, facebook trong hoạt động tuyên truyền, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức cho bà con DTTS giúp họ tiếp cận với những chính sách, học hỏi các kiến thức mới một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
“Chúng tôi lập các nhóm zalo hoặc messeger, mỗi lần triển khai nội dung gì là bà con có thể xem, vấn đề gì chưa rõ bà con hỏi mình luôn. Không như trước đây cứ phải đến tận nơi, có khi phải đi vào buổi tối khi bà con đi làm về để thông tin và triển khai công việc, rất mất thời gian”.
Đánh giá cao những đóng góp của chị Tâm đối với sự phát triển của địa phương, Chủ tịch UBND xã Lục Sơn - Phạm Văn Thể cho biết: “Chị Đàm Thị Tâm là một trong những thành viên tích cực trong phong trào của Hội Phụ nữ xã, hoạt động của thôn Vĩnh Ninh. Chị cũng là người có nhiều đóng góp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi số của địa phương”.
Với những cống hiến và đóng góp của mình, nhiều năm qua chị Tâm đã được các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt tháng 11/2023, chị là một trong 40 tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen tại Hội nghị tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi lần thứ Nhất tỉnh Bắc Giang. Chị xứng đáng là một trong những hình mẫu phụ nữ DTTS tiêu biểu truyền cảm hứng cho chị em trong quá trình học tập, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.