Sinh ra và lớn lên ở bản Púng Luông, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải nên Lù A Câu đã chứng kiến được câu chuyện làm kinh tế từ cây chè trên mảnh đất quê hương. Trước đây, chè ở Púng Luông luôn được đánh giá là loại chè ngon, được nước có vị thơm đặc trưng nên được nhiều người tìm mua về dùng, giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể …; Tuy vậy, cùng với thời gian, cây chè không được người dân chăm sóc, sản lượng thấp, đầu ra khó khăn nên sản phẩm chè Púng Luông cũng dần bị quên lãng.
“Trong tôi luôn suy nghĩ, tại sao chè quê mình ngon như vậy mà lại không phát triển được, hàng chục héc ta chè cứ phơi nắng, phơi sương bà con chẳng buồn chăm sóc…rất là tiếc”, anh Câu tâm sự.
Đây chính là lý do mà năm 2019, Lù A Câu quyết định đầu tư trên 500 triệu đồng làm nhà xưởng và mua sắm máy chế biến chè. Tuy nhiên, sản phẩm chế biến ra do chưa có thương hiệu, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Để lấy lại thương hiệu cho cây chè của địa phương và ủng hộ việc làm của anh Câu, các phòng, ban chức năng của huyện Mù Cang Chải đã chung tay, hỗ trợ, hướng dẫn anh Lù A Câu từng đường hướng, kế hoạch đưa cây chè phát triển theo hướng sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, năm 2020 anh Lù A Câu thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Púng Luông và xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Púng Luông; đến tháng 9/2021 sản phẩm chè Shan tuyết được cấp chứng nhận OCOP. Nhờ đó, sản phẩm chè của HTX được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết tới, sản phẩm sản xuất, chế biến đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Hiện tại, các sản phẩm chè của HTX có giá giao động từ 130-500 nghìn đồng/kg.
“Bây giờ bà con rất phấn khởi khi tham gia trồng và chăm sóc cây chè. Nhiều hộ đã đăng ký trồng mới và cam kết trồng chè sạch với HTX. Nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả cũng nhờ cây chè”, anh Câu cho biết thêm.
Vào thời gian thu hái chè búp tươi của xã viên, không kể giờ giấc ngày hay đêm, cơ sở chế biến chè của HTX dịch vụ nông nghiệp Púng Luông, do Lù A Câu làm Giám đốc, luôn phải bố trí đủ lao động làm việc liên tục để duy trì việc thu mua sản phẩm cho bà con. Chè thu hái về bao nhiêu, HTX đều mua hết, nhờ đó đã khuyến khích được người dân trong xã Púng Luông và các xã lân cận tập trung chăm sóc, thu hái đúng thời vụ.
Gia đình anh Hờ A Sử, ở bản Pú Cang, xã Nậm Khắt có hơn 2 héc ta chè; trước đây, do không có đầu ra nên gia đình anh Sử bỏ bê không chăm sóc. Tranh thủ lúc nhàn rỗi, gia đình đi thu hái về chế biến thủ công, năng suất thấp mà giá trị kinh tế không được bao nhiêu. Từ khi tham gia vào HTX chè Púng Luông gia đình anh Sử đã thay đổi hẳn tư duy sản xuất.
“Vào HTX gia đình được hướng dẫn chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật, nhờ đó mà sản lượng tăng lên gấp ba bốn lần so với trước. Chè hái về bao nhiều được HTX thu mua hết, giá cả luôn duy trì ở mức 12-13 nghìn đồng/kg chè tươi. Cuộc sống gia đình đã được cải thiện hơn trước nhiều cũng từ cây chè; thời gian tới gia đình sẽ trồng thêm để mở rộng diện tích”, anh Sử cho biết.
Xã Púng Luông hiện có 65 héc ta chè, chủ yếu là chè Shan tuyết. Với việc ra đời cơ sở chế biến chè của HTX dịch vụ nông nghiệp Púng Luông, công suất 1 tấn chè búp tươi 1 ngày, không chỉ góp phần tiêu thụ hết sản lượng chè búp tươi tại xã, mà còn thu mua cho bà con ở các xã lân cận. Sản phẩm của HTX đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, tạo được chỗ đứng trên thị trường chè trong và ngoài tỉnh. Doanh thu tăng dần qua từng năm, năm 2021 doanh thu của HTX đạt hơn 2 tỷ đồng, lợi nhuận trên 200 triệu đồng.
Ông Vàng Bua Tủa, Chủ tịch UBND xã Púng Luông chia sẻ: Việc ra đời HTX dịch vụ nông nghiệp Púng Luông do anh Lù A Câu làm Giám đốc rất kịp thời và phù hợp với điều kiện của địa phương. Xã Púng Luông có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp để phát triển cây chè; người dân cơ bản biết cách trồng và chăm sóc…
"Vì thế, chúng tôi tạo mọi điều kiện để cho HTX hoạt động. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cử cán bộ tham gia cùng với HTX tuyên truyền, vận động bà con tham gia trồng và mở rộng diện tích chè, bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất cho nhà máy, vừa nâng cao thu nhập cho chính người dân”, Chủ tịch Vàng Bua Tủa chia sẻ.