Chia thừa kế theo pháp luật
Trong trường hợp người mất không để lại di chúc, những người được nhận tài sản quy định theo các hàng thừa kế tại Luật Dân sự 2015. Cụ thể như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thuộc cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Theo đó, mảnh đất sẽ được chia thành nhiều phần tùy theo số lượng thành viên, mỗi người được hưởng 1 phần.
Thủ tục khai nhận di sản thừa kế
Giấy tờ khai nhận di sản thừa kế gửi về UBND cấp xã nơi chủ nhân mảnh đất thường trú trước khi mất. Cụ thể bao gồm:
- Sơ yếu lý lịch của người được nhận di sản thừa kế
- CMND/ hộ chiếu, hộ khẩu của người nhận thừa kế
- Giấy chứng tử của người để lại thừa kế
- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản của người để lại thừa kế (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, giấy phép mua bán, hợp thức hóa nhà do Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, giấy chứng nhận cổ phần…).
Thời hạn niêm yết công khai là 15 ngày, nếu trong 15 ngày này không có tranh chấp từ những người đồng thừa kế hoặc người có quyền lợi liên quan thì UBND cấp xã sẽ ra văn bản công nhận di sản thừa kế.