Điểm dân cư Khe Lấp có 14 hộ dân, với hơn 70 nhân khẩu người Dao sống ở bên kia triền đồi, nhiều năm qua bị chia cắt bởi con suối Đồng Mỏ khiến cuộc sống khó khăn. Nhớ về những ngày tháng ấy, anh Bàn Sinh Tình, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 10, phường Mông Dương cho biết: "Vào ngày lũ lớn, cả điểm dân cư bị cô lập hoàn toàn; học sinh phải ở nhà nhiều ngày chờ nước rút vì không ai dám cho con, em mình liều lĩnh băng qua dòng lũ để đến trường. Mỗi lần qua suối vào điểm dân cư là tôi "thót tim" vì nước chảy xiết, đường gồ ghề toàn đá cuội tròn vo”.
Để hạn chế khó khăn về giao thông, mỗi khi mùa mưa về, bà con lại đóng góp tiền, bỏ công sức để kè đá, vá đường. Thế nhưng, sau nhiều trận mưa lớn, ngầm tiếp tục bị cuốn trôi, dân lại phải góp tiền chuẩn bị kè lại.
Nắm bắt và kịp thời chia sẻ về những khó khăn này, mới đây thành phố Cẩm Phả đã kêu gọi sự ủng hộ của các cá nhân, doanh nghiệp cùng sự vào cuộc góp sức của các hộ dân, ngầm tràn, đường mới đã hoàn thành. Từ tỉnh lộ 330 nối với điểm dân cư Đồng Mỏ rẽ xuống con đường bê rộng hơn 3 mét chạy thẳng vào điểm dân cư Khe Lấp (tổ 6, khu 10, phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả). Không chỉ có con đường mới, vị trí qua suối Đồng Mỏ còn được đầu tư xây dựng một ngầm tràn khang trang, với kinh phí đầu tư hơn 700 triệu đồng vắt qua.
Theo đó người Dao ở Khe Lấp đón Tết Giáp Thìn vừa qua vui hơn vì đã có đường mới, ngầm tràn mới giúp việc đi lại thuận lợi, an toàn, ô tô, xe máy có thể bon bon vào điểm dân cư Khe Lấp. Có đường mới, từ nay nông - lâm sản của bà con tiêu thụ dễ dàng hơn, trẻ em không lo phải nghỉ học ngày mưa lũ vì giao thông chia cắt.
Người có uy tín Bàn Sinh Vượng chia sẻ: "Vậy là từ nay, vào mùa mưa, không còn cảnh cách trở, trẻ em không bị nhỡ buổi đến trường, người già không sợ đau ốm không kịp đi viện. Tôi mua chiếc xe đạp này từ chục năm trước, nhưng không có dịp để đi vì chưa có đường. Từ hôm đường làm xong, ngày nào tôi cũng đạp mấy vòng quanh xóm”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, anh Bàn Dẩu Tình, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 10, phường Mông Dương cho biết: "Khi vật liệu làm đường, làm ngầm được chở về, bà con phấn khởi, cùng nhau bỏ công sức mỗi hộ hàng chục ngày công để tham gia vận chuyển vật liệu, san gạt nền đường. Đến ngày 25 Tết vừa qua, thì tuyến đường bê tông dài gần 700m, rộng hơn 3m, dày gần 20cm trị giá trên 1 tỷ đồng đã hoàn thành", anh Tình kể.
Hiện nay, lãnh đạo khu phố đang vận động bà con chuyển tư duy canh tác sang trồng những loại nông - lâm sản, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao thu nhập.Trong đó có trà hoa vàng là loại cây dễ trồng, cho giá trị kinh tế cao, nhưng bấy lâu nay, người dân chỉ trồng để lấy hoa uống, chưa có ai mang đi tiêu thụ.
Chia sẻ về niềm vui của chính quyền và người dân địa phương, ông Nguyễn Thái Bình, Bí thư phường Mông Dương cho biết, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các cá nhân, doanh nghiệp cùng sự vào cuộc góp sức của các hộ dân, đến nay, ngầm tràn, đường mới đã hoàn thành. "Tới đây, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ bà con phát huy giá trị đất nông nghiệp, vốn rừng để có được cuộc sống đủ đầy hơn”.