Muốn sang thì…dùng bè mảng
Bản Bủng Xát (trước khi sáp nhập năm 2019 là bản Bủng và bản Xát) có gần 200 hộ dân với khoảng 750 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái sinh sống. Cư dân của bản sống rải rác ở nhiều ngọn đồi ven khe Khặng.
Kể từ khi Công ty CP Thủy điện Chi Khê (Công ty Chi Khê) tích nước năm 2016, con đường đi lại của nhiều hộ dân hai bên khe Khặng cũng như khu sản xuất, khu nghĩa trang đã trở nên tách biệt. Trước thực tế này, Công ty đã đầu tư một chiếc bè và hệ thống dây cáp vịn cho dân đi lại. Tuy nhiên, việc điều khiển chiếc bè rất khó khăn do cồng kềnh, nặng… nên người dân ít sử dụng. Bất chấp nguy hiểm, dân bản đã phải kết nứa làm bè để đi lại.
“Việc đi lại bằng bè rất nguy hiểm, nhất là khi mưa lũ nước dâng cao. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần về việc sớm phải xây dựng cầu treo cho dân đi lại, nhưng đến nay vẫn chưa thấy”, bà Kha Thị Thúy, bản Bủng Xát cho biết.
Theo ông Lương Văn Kim, Phó bản Bủng Xát hầu hết đất sản xuất của dân bản nằm bên kia khe Khặng. Ngoài ra, còn có khoảng 30 hộ dân với 15 cháu học sinh các bậc học. Việc sử dụng bè mảng là quá nguy hiểm, nhất là các cháu học sinh mỗi khi đến trường. Công ty Chi Khê hứa tháng 6/2019 thi công và đến Tết năm 2019 sẽ có cầu cho dân đi lại, nhưng vẫn chưa có. Cũng theo ông Kim, mỗi khi trong bản có người mất, dân bản phải đi lại trên những bè mảng để đến khu vực an táng rất bất tiện và nguy hiểm.
Có mặt chiều 13/8 tại bản Bủng Xát, chúng tôi chứng kiến rất nhiều người dân sử dụng bè mảng để đi từ khu dân cư sang khu sản xuất hoặc mua bán. Theo ước tính của chúng tôi, khoảng cách từ phía bên kia khe Khặng nơi có nhiều hộ dân sinh sống, nơi tập trung hầu hết diện tích đất sản xuất của bản, đến khu vực bên này chừng 400 - 500m. Việc phải thường xuyên sử dụng bè mảng qua quãng đường ấy tiềm ẩn rất nhiều hiểm nguy.
Hết mùa mưa bão sẽ triển khai?
Làm việc với chúng tôi, ông Kha Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho rằng: Yêu cầu của người dân về việc Công ty phải xây dựng một cây cầu dân sinh ở bản Bủng Xát là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, phía Công ty triển khai quá chậm. Nguyên nhân là do quá trình lập hồ sơ, thiết kế, phê duyệt thực hiện chậm. Dân đã kiến nghị rất nhiều lần, nhưng xã chỉ kết nối và tổng hợp ý kiến lên trên vì việc xây dựng là của Công ty. Ông Thương cũng cho biết thêm, Công ty hứa cuối năm 2020 sẽ triển khai xây dựng cầu.
Tại Công văn số 50 ngày 6/8/2020, Công ty CP Thủy điện Chi Khê cho biết, đã thuê đơn vị tư vấn thực hiện xong công tác khảo sát, thiết kế và đã được Sở Giao thông Vận tải Nghệ An thẩm định. Hiện, Công ty đang thực hiện công tác phê duyệt giá trị dự toán gói thầu và lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công công trình theo đúng quy định. Dự kiến sẽ tổ chức thi công sau mùa mưa bão (tháng 11/2020).
Công ty cũng đề nghị UBND xã Châu Khê vận động người dân có đất tại vị trí xây dựng cầu thực hiện hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo hình thức chủ đầu tư sẽ hỗ trợ tài sản trên đất, còn các hộ dân ủng hộ đất để tiến hành xây cầu.
Liệu rằng sau mùa mưa bão năm nay, việc xây cầu có được triển khai như dự kiến?
Yêu cầu của người dân về việc Công ty phải xây dựng một cây cầu dân sinh ở bản Bủng Xát là hoàn toàn chính đáng. Dân đã kiến nghị rất nhiều lần, nhưng xã chỉ kết nối và tổng hợp ý kiến lên trên vì việc xây dựng là của Công ty”.
Ông Kha Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Châu Khê