Hát cho mình và hát cho mọi người
Tôi lang thang trong một không gian làng nhỏ giữa phố núi Pleiku vào một chiều cuối năm miên man gió. Ksor H’Hoanh, người phụ nữ Jrai ôm cây guitar nhìn vào mưa. Người trong quán trà nhỏ sau khoảng khắc lắng lại yêu cầu chị hát tiếp. Chị cười rồi ôm cây đàn, lại hát, những khúc hát của miền cao nguyên đầy gió và nắng hoang hoải, đầy mưa và những nỗi niềm. Chắc mọi người nơi đây đều biết, H’Hoanh là giọng ca Jrai rất xuất sắc ở chốn này. Trong nhà treo đầy Huy chương Vàng các loại, kết quả của hàng trăm lần tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng khắp nơi.
H’Hoanh bảo lâu lắm rồi chị mới ôm đàn hát lại. Cái tính hoang dã và nồng nàn của người Tây Nguyên vẫn hằn chất trong chị, thoát ra trong từng lời hát, ghim lại trong từng nốt đàn. Tiếng hát của H’Hoanh đặc biệt trong không gian quán, không gian âm nhạc đặc biệt của núi rừng Tây Nguyên. Người trong quán thả lòng vào từng giai điệu của chị, như một điệu nhảy xoang dập dìu, say lối mà khi nghe chẳng ai có thể ngồi yên, cùng nắm tay nhún nhảy theo nhạc.
Tiếng hát ngưng lại rồi, tiếng đàn ngưng lại rồi, nhưng nhiều người vẫn say sưa bên chị. Tôi gọi chị là người đàn bà... hát. Hát bằng đôi mắt, bằng trái tim và bằng âm giọng trời phú, nghe âm vang trùng điệp của rừng thiêng, nước lớn mùa lũ về.
Chị như con chim Ch’rao bay tới hát trong 4 mùa, tan chảy con tim người đối diện. Chị hát bằng tình yêu âm ỉ như người mẹ địu con lên rương, như con chim mẹ bảo vệ con trước giông bão. Chị hát như yêu chính mình bằng tình yêu lứa đôi mãnh liệt, cháy bỏng như ngọn lửa thiêu đốt rừng già. Hát là đam mê như con suối trong rừng sâu hoà mình ra sông, biển lớn.
Chị hát khi yêu. Hát khi buồn. Hát khi vui. Hát khi đơn độc. Hát để cầu nguyện. Hát để san sẻ tình yêu thương. Giọng hát cao vút như trời xanh, lanh lảnh trong không gian mà khi nghe bất giác chúng ta phải “rùng mình”. Và chị hát như trải cả nỗi lòng của người Jrai bao đời trên đại ngàn này.
Nhiều người chắc không biết rằng với chị, chỉ cần được hát, được thỏa lòng mình là đủ. Nhưng nếu ai hỏi cặn kẽ, sẽ biết được chị từng đạt giải Ba thi tiếng hát truyền hình khu vực miền Trung và Tây Nguyên thi tại Huế, đạt giải xuất sắc - thi giọng hát hay của ngành Ngân hàng Toàn quốc tổ chức tại Nha Trang năm 2011, đạt giải nhất thi dân ca dân vũ Việt Nam tổ chức tại Đà Lạt năm 2009… Chừng ấy giải thưởng có lẽ cũng đủ để mọi người hình dung được nội lực đáng nể của người đàn bà hát này.
Có người so sánh chị với “Họa mi núi rừng” Siu Black, chị chỉ cười và bảo mỗi người có một cái chất riêng. Chị không bao giờ so sánh. Chị vẫn thế, như khí chất hiền hòa và ngạo nghễ của người Tây Nguyên với những khúc sử thi hào hùng, lại có lúc mềm mại dịu dàng và đằm thắm như suối nước. Ở chị, có đủ cả những tố chất ấy…
Làng Jrai giữa phố thị
Và chắc mọi người cũng ít biết, rằng H’Hoanh là vợ của Ksor Thức, một người đàn ông Tây Nguyên cũng đã mang tiếng hát của mình đi khắp nơi. Ít ai biết được tình yêu đầy trắc trở và vượt qua không ít ngang trái của hai người Jrai này.
Vợ chồng Ksor Thức - Ksor H’Hoanh, cùng là người Jrai. Gia đình Ksor Thức thì ở tại làng này đã mấy đời rồi, còn H’Hoanh ở tận vùng thung lũng Ayun Pa. Khi ấy H’Hoanh đã có gia đình, có con cái, đã ly hôn chồng, còn Thức là một chàng trai mới tốt nghiệp sư phạm mỹ thuật. Hai người tham gia những cuộc thi giọng hát ở nhiều nơi. Và rồi chẳng biết tình yêu đến tự lúc nào. Thế nhưng vì là trai chưa vợ, nên Ksor Thức bị gia đình ngăn cấm. Thức đã vượt qua tất cả ngăn cấm và lệ tục của làng để đến với H’Hoanh.
Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố của cuộc đời, Thức vẫn yêu và ở bên H’Hoanh đến giờ. Hai vợ chồng cùng chung tay xây một gia đình nhỏ, cùng chung tay xây dựng nên một không gian văn hóa của người Jrai mang tên Bazan quán nổi tiếng cả trong nước và quốc tế lâu nay. Hai người cùng chung tay làm nên một ngôi làng Jrai thu nhỏ trên mảnh đất giữa phố thị Pleiku này. “Ngôi làng” ấy là không gian của bazan quán, nơi níu giữ một phần của hồn làng mang đậm chất Jrai nhưng lọt thỏm trong phố.
Không gian ấy có hẳn một đội chiêng, đội xoang phục vụ du khách, có những món ẩm thực từ vườn nhà nguyên bản chất Tây Nguyên, với tất cả phần hồn tinh túy độc đáo của người và đất này. Ksor H’Hoanh bảo, ý tưởng đến khi những điều làm nên bản sắc dân tộc Jrai đang ngày càng bị lãng quên và phai nhạt. Từ nỗi đau đáu ấp ủ nhiều ngày, nhiều tháng ấy và rồi chị cùng chồng quyết định bắt tay xây dựng một ngôi làng đậm hồn Jrai ngay trên mảnh đất vườn của gia đình chồng.
Thế là, không gian bazan quán ra đời, cũng vẫn là nhà sàn, lửa trại, vẫn là cả một đội xoang, đội cồng chiêng và đêm đêm nơi đây lại rạo rực ánh lửa, chung chiêng những điệu xoang, mê mải rượu cần, nồng nàn mùi cơm lam, chí chách tiếng giã lá mỳ. Chị Ksor H’Hoanh thủ thỉ bảo, với chị, với cái khí chất của người Jrai chưa một giờ phai nhạt trong chị, thì làng Jrai dẫu nhỏ trong không gian này vẫn luôn có tất cả phần hồn tinh túy độc đáo của nó. Vẫn phải giữ được bản sắc làng, làm cho người ta phải thương phải nhớ, dẫu có nghìn trùng tít tắp nhưng cứ phải tìm mọi cách để về.
Chiều cuối năm, bên ngoài đang mưa, bên trong ngôi nhà sàn mang đậm dấu ấn Jrai, đôi tay H’Hoanh lại lướt trên phím guitar thùng, gõ những âm vang trầm bổng và những giai điệu cao nguyên mê đắm lòng người...