Những bài hát, điệu sắc bùa đã in vào trí nhớ của ông Trần Biểu từ lúc nào đến giờ ông cũng không nhớ rõ. Năm lên 15, 16 tuổi, ông đã đi theo đoàn hát sắc bùa trong thôn để xem các cụ biểu diễn khắp các sân khấu nhỏ trong và ngoài xã. Ông Biểu đọc thuộc từng lời, gõ từng nhịp phách, tiếng đàn nhị rồi trở thành thành viên của đoàn hát sắc bùa.
Năm 1962, ông trở thành trưởng đoàn hát sắc bùa của xã Phổ An. Những năm tháng đất nước chiến tranh, ông tạm gác chuyện ca hát, cầm súng lên đường, tham gia du kích địa phương. Mãi đến năm 1975, khi đất nước thống nhất, thì loại hình nghệ thuật hát sắc bùa đã dần mai một. Những người biết hát đã thưa dần..., ông Biểu một mình gây dựng lại nghiệp hát sắc bùa.
Quãng thời gian từ năm 1977 đến 1997, hát sắc bùa trở nên thịnh hành, nhiều người học hát và xin đi theo đoàn hát sắc bùa. Lúc này có người hát kéo đàn nhị, thổi kèn, trống, phách, có 6-8 người tham gia đội múa. Người dân xã Phổ An sống nhờ nông nghiệp, có thêm nghề thủ công, chài lưới và buôn bán vào Nam ra Bắc. Đi đến đâu cũng mang theo điệu hát sắc bùa. Hát sắc bùa trở thành cuộc sống, tinh thần của người dân nơi đây.
Ông Biểu cho biết, hát sắc bùa là hình thức diễn xướng tổng hợp, kết hợp cả nghệ thuật múa, hát và diễn sân khấu sơ khai, có hình thức cử hành nghi lễ phù hợp với cảm thụ nghệ thuật cư dân nông nghiệp. Hát sắc bùa đòi hỏi ông cái phải nhớ lời, hát giỏi, chỉ dẫn cả đoàn nhạc và múa xướng. Ngày xưa, hát sắc bùa được tổ chức các dịp Tết, lễ, mỗi dịp có một bài hát kể lại náo nhiệt ở thôn làng. Người làm nhà, xây ngõ, cũng có điệu hát mở ngõ, hát được mùa, trừ dịch hại, hát đất nước, nhà nhà hưng thịnh…
Đội hát sắc bùa gồm một đàn nhị, trống, kèn, gõ phách. Dưới sự chỉ huy của ông cái, mỗi người sẽ đánh các loại nhạc cụ và có đội múa gồm 6 người tham gia diễn xướng. Người hát chính được gọi là “cái kể”, còn lại gọi hát phụ hay “con xô”. Hát sắc bùa là những bài thơ được sáng tác từ chất liệu đời sống như ca ngợi đất nước, mừng Đảng mừng Xuân, mừng nông thôn mới hay đơn giản là chuyện vui của gia đình vừa xây được ngôi nhà mới, mừng mùa lúa về. Ví dụ như đoạn xướng “Kể từ Huỳnh Đế ngày mới lập ra/Thuở câu hoàng chém gỗ làm nhà/Rào tứ phía, trước sân chừa ngõ/Thưa thầy, Chươm võ truyền lại cho ta/Khai minh niên tống tà/Là cái đường mở ngõ/…”.
Sau này, khi những thế hệ trước lần lượt qua đời vì tuổi tác, bối cảnh xã hội không thuận lợi cho các loại hình nghệ thuật phát triển, bản thân loại hình hát sắc bùa cũng đối mặt với nguy cơ mai một. Ông Biểu cũng đã già, đôi mắt mờ dần đi. Từ hơn 4 năm nay, đôi mắt đã không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng ông Biểu vẫn tích cực đọc các lời bài hát cho cháu con trong nhà ghi chép lại. Ông nói: “Đời sau có thể đọc cuốn ghi chép, in sao lại rồi truyền tay cho người này người kia mượn đọc và học hát theo”.
Được biết, vài năm trước, UBND xã Phổ An cũng đã tiến hành khôi phục hát sắc bùa, thành lập đội hát có sự tham gia của Đoàn xã, Phòng Văn hóa xã, các em học sinh… để hồi sinh lại làn điệu này. Ông Nguyễn Tấn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Phổ An, cho biết: “Công tác bảo tồn rất khó khăn, các bài hát, điệu múa chưa có sách vở ghi chép rõ ràng, do vậy chỉ nhờ những cụ trưởng lão dạy lại. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc khôi phục bảo tồn còn nhiều điều chưa hoàn thiện”.
Hiện tại, ông Mỹ đang nỗ lực hoàn thiện Đề án bảo tồn hát sắc bùa trên địa bàn xã. Với mong muốn, mở ra sức sống mới cho hát sắc bùa.
NGUYỄN TRANG