Sáng 4/3, ứng dụng đo chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 2 thế giới. Cụ thể, lúc 10h30, chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) của Hà Nội ở mức 181, không tốt cho sức khỏe của con người. Đến chiều, lúc 15h47 phút, cũng tại ứng dụng này, Hà Nội đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế với với chỉ số ô nhiễm AQI là 187.
Chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5, nồng độ hiện là 108,2µg/m3, cao gấp 21 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dữ liệu chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội được thu thập từ 18 trạm kiểm soát không khí. Trong đó có Mạng lưới giám sát chất lượng không khí Hà Nội, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Theo khuyến nghị của IQAir, người dân tránh tập thể dục ngoài trời, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, đeo khẩu trang khi ra ngoài, chạy máy lọc không khí.
Trên ứng dụng đo chỉ số ô nhiễm không khí PamAir, vào lúc 15h51 ngày 4/3, điểm có chất lượng không khí xấu nhất của TP. Hà Nội là khu vực vườn Dâu, Trâu Quỳ (Gia Lâm) với mức ô nhiễm AQI lên đến 236, mức cảnh báo màu tím, rất có hại cho sức khỏe. Nhiều điểm có chỉ số ô nhiễm không khí cao như khu vực Thành Công (Ba Đình), phố Nguyễn Chế Nghĩa (Hoàn Kiếm), Đội Cấn (Ba Đình), Quan Hoa (Cầu Giấy), quận Tây Hồ... đều nằm trong mức cảnh báo ô nhiễm màu đỏ.
Dự báo sáng mai, 5/3, mức độ ô nhiễm của Hà Nội sẽ giảm, tuy nhiên, chỉ số chất lượng không khí vẫn khá cao, ở mức không tốt cho những người có cơ địa nhạy cảm. Sau đó, chất lượng không khí ở Hà Nội sẽ tốt dần lên, ô nhiễm giảm nhiều vào thứ Năm, khi một đợt không khí lạnh lại về miền Bắc.
Ts. Hoàng Dương Tùng - Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, cho biết không khí vừa ẩm thấp lại vừa ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ em là những người có hệ thống hô hấp tương đối yếu. Trong những ngày này, đối với những người đi ra ngoài đường nếu có điều kiện có thể chọn thời điểm hoặc cân nhắc ngày ra ngoài.
Những người có nhạy cảm về sức khỏe cần theo dõi các chỉ số về ô nhiễm không khí ở các phương tiện thông tin đại chúng, do đó nếu thấy ô nhiễm quá thì tốt nhất nên ở trong nhà và tránh ra ngoài dể khả năng phơi nhiễm giảm đi.
Ở trong nhà, nếu ai có điều kiện có thể dùng thiết bị máy điều hòa có chế độ lọc không khí hoặc máy lọc không khí để bớt ô nhiễm ở trong nhà và tạo không khí trong lành và tốt nhất hạn chế ra ngoài trời để tránh thời gian bị phơi nhiễm.
Đầu năm 2024, Bộ Y tế cũng có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khuyến cáo cộng đồng các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. Theo đó, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (151 - 200), người dân cần có các biện pháp dự phòng như hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động có cường độ vừa phải. Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, khu vực bị ô nhiễm không khí. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Người nhạy cảm cần tránh các hoạt động ngoài trời hoặc cần gắng sức. Nên thực hiện các hoạt động như vận động, tập thể dục trong nhà. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.