Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu sốCác thế lực thù địch thường khai thác sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và điều kiện kinh tế - xã hội để tạo ra sự chia rẽ, gieo rắc tư tưởng ly khai. Chúng tuyên truyền luận điệu sai trái, vu cáo Nhà nước phân biệt đối xử với đồng bào DTTS, bóp méo sự thật về các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cố tình phủ nhận những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng đồng bào DTTS sinh sống. Chúng còn lợi dụng những khó khăn về đời sống, giáo dục, y tế ở một số khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa để kích động sự bất mãn, gây chia rẽ giữa đồng bào DTTS với chính quyền.
Một trong những âm mưu nguy hiểm nhất là kích động tư tưởng tự trị dân tộc, kêu gọi thành lập "nhà nước riêng" trong lòng đất nước Việt Nam. Chúng lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu thông tin của một bộ phận đồng bào để xuyên tạc lịch sử, bịa đặt về nguồn gốc dân tộc, từ đó gieo rắc tư tưởng ly khai. Đặc biệt, chúng tạo dựng các tổ chức phản động lưu vong như "Nhà nước Đề Ga", "Tin lành Đề Ga" ở Tây Nguyên hay "Chính phủ Mông" ở khu vực Tây Bắc, núp bóng “bảo vệ quyền lợi dân tộc” để lôi kéo, dụ dỗ đồng bào tham gia vào các hoạt động chống phá Nhà nước. Những nhóm này thường xuyên tuyên truyền trên mạng xã hội, phát tán tài liệu xuyên tạc, kêu gọi thành lập các khu vực tự trị, kích động người dân biểu tình, bạo loạn.
Những hành vi này đã gây ra bất ổn nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Điển hình như vào năm 2001 và 2004, các phần tử phản động đã kích động hàng nghìn người đồng bào DTTS ở Tây Nguyên tụ tập biểu tình, bạo loạn, tấn công trụ sở chính quyền, gây mất ổn định nghiêm trọng. Chúng tuyên truyền rằng Nhà nước Việt Nam "đàn áp" người DTTS, kích động chống đối lực lượng chức năng. Một số đối tượng còn móc nối với các tổ chức phản động nước ngoài, kêu gọi can thiệp quốc tế nhằm gây sức ép với Việt Nam. Hậu quả là nhiều người bị lừa gạt, tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật và bị xử lý hình sự.
Tại khu vực Tây Bắc, vào năm 2011, một số phần tử cực đoan đã kích động đồng bào Mông tụ tập tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, với luận điệu rằng "sẽ có nhà nước riêng của người Mông". Chúng tung tin đồn thất thiệt về sự xuất hiện của "đấng cứu thế", kêu gọi người dân rời bỏ ruộng vườn, kéo về Mường Nhé, gây rối an ninh trật tự. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng chức năng, âm mưu này đã bị đập tan, nhiều đối tượng cầm đầu bị xử lý theo pháp luật.
Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai trao đổi với đồng bào dân tộc về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. (Ảnh: TTXVN)Bên cạnh đó, các thế lực xấu cũng lợi dụng tôn giáo để kích động chống phá, lôi kéo đồng bào DTTS tham gia vào các tổ chức tôn giáo trái phép, tuyên truyền tư tưởng cực đoan và xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước. Chúng gieo rắc thông tin sai lệch rằng chính quyền cản trở hoạt động tôn giáo, đàn áp tín đồ, qua đó kích động sự bất mãn, gây mất ổn định an ninh trật tự.
Một trong những chiêu trò phổ biến là dựng lên các tổ chức tôn giáo trái phép như "Tin lành Đề Ga" ở Tây Nguyên, "Giáo hội Tin lành Đấng Christ" hay "Giáo hội Tin lành Việt Nam thống nhất" ở Tây Bắc. Những tổ chức này không chỉ hoạt động ngoài khuôn khổ pháp luật mà còn lồng ghép nhiều nội dung phản động, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng, kêu gọi người dân từ bỏ các tổ chức tôn giáo chính thống để tham gia vào các hội nhóm do chúng dựng lên. Chúng lợi dụng niềm tin tôn giáo của đồng bào để tuyên truyền tư tưởng ly khai, chống đối chính quyền, kích động biểu tình, gây rối.
Điển hình như ở một số tỉnh Tây Nguyên, nhiều đối tượng phản động đã lợi dụng việc truyền đạo để tuyên truyền rằng "Chúa sẽ ban cho người DTTS một vùng đất riêng", từ đó kích động người dân ly khai, thành lập "nhà nước Đề Ga". Chúng ra sức vu cáo chính quyền địa phương cấm đoán hoạt động tôn giáo, đàn áp tín đồ, nhằm tạo cớ kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài.
Tại khu vực Tây Bắc, một số phần tử xấu cũng lợi dụng đạo Tin Lành để tuyên truyền về "Vương quốc Mông", tung tin đồn rằng "sẽ có đấng cứu thế dẫn dắt người Mông lập quốc gia riêng". Chúng kêu gọi người dân từ bỏ sản xuất, tập trung cầu nguyện, chờ ngày "vương quốc" xuất hiện. Âm mưu này đã khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh khốn đốn vì bỏ bê công việc, đồng thời gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương.
Ngoài việc lợi dụng tôn giáo, kẻ xấu còn tìm cách kích động biểu tình, bạo loạn dưới danh nghĩa đấu tranh cho quyền lợi. Chúng khai thác các vấn đề về đất đai, môi trường, chính sách phát triển để kêu gọi khiếu kiện tập thể, lôi kéo người dân xuống đường biểu tình trái phép, thậm chí gây bạo loạn nhằm chống phá chính quyền. Chúng còn dùng mạng xã hội để phát tán tin giả, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tạo tâm lý hoang mang trong Nhân dân, khiến họ mất niềm tin vào chính quyền.
Đặc biệt, các tổ chức phản động lưu vong còn tài trợ tiền bạc, vật chất để lôi kéo một số cá nhân tham gia vào các hoạt động chống phá. Chúng hứa hẹn hỗ trợ tài chính, việc làm, nhưng thực chất chỉ lợi dụng người dân làm công cụ phục vụ cho âm mưu chính trị đen tối. Những người bị lôi kéo nếu không sớm nhận ra sự thật sẽ dễ dàng trở thành công cụ của các thế lực phản động, thậm chí vướng vào vòng lao lý.
Việc tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân là biện pháp quan trọng giúp đồng bào DTTS có cuộc sống ổn định, không bị kẻ xấu lợi dụngKhông dừng lại ở âm mưu thâm độc, thủ đoạn của kẻ xấu ngày càng tinh vi, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng sử dụng mạng xã hội làm công cụ tuyên truyền xuyên tạc, tạo ra các bài viết, video bóp méo sự thật, kích động sự hoài nghi giữa người dân và chính quyền. Các trang mạng, hội nhóm ẩn danh trên Facebook, YouTube, TikTok... liên tục đăng tải thông tin sai lệch về tình hình vùng DTTS, vu cáo Nhà nước "bỏ rơi" đồng bào, thổi phồng các vụ việc tranh chấp đất đai, khiếu kiện để kích động biểu tình, gây rối.
Ngoài ra, chúng còn giả danh những Người có uy tín trong cộng đồng, thậm chí mạo danh già làng, trưởng bản để tuyên truyền tư tưởng sai trái, gieo rắc sự hoang mang, mất niềm tin vào chính quyền. Một số phần tử phản động còn sử dụng hình thức livestream trên mạng xã hội, tổ chức các buổi "giảng đạo" trực tuyến để xuyên tạc chính sách dân tộc, lợi dụng tín ngưỡng để lôi kéo người dân vào các tổ chức bất hợp pháp.
Nhiều đối tượng phản động còn tổ chức các hoạt động trái phép như thành lập "hội nhóm bảo vệ quyền lợi người DTTS", nhưng thực chất là để kích động biểu tình, gây chia rẽ dân tộc. Những chiêu trò này không chỉ gây mất ổn định trong đời sống tôn giáo của đồng bào DTTS mà còn làm suy giảm niềm tin vào chính quyền, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa...