Đồng bào dân tộc Dao đỏ tập trung thành bản ở Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ từ lâu đời. Trong quá trình hội nhập và giao văn hóa với các dân tộc khác, nhưng người Dao đỏ ở Pa Tần vẫn giữ được nhiều nét văn hóa, phong tục truyền thống của dân tộc mình.
Nhiều nghi lễ truyền thống được đồng bào Dao đỏ lưu giữ gần như nguyên vẹn, như: Lễ cúng Nương, lễ cúng Lập thu, lễ cúng Cơm mới, lễ Tủ cải hay còn gọi là lễ Cấp sắc đặc biệt là nghi lễ tổ chức đám cưới - đây là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng nhất trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Dao đỏ.
Nghi lễ trong đám cưới chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử của người Dao đỏ. Sau khi đôi trai, gái tìm hiểu, tiến tới hôn nhân, gia đình sẽ nhờ thầy mo xem ngày lành, tháng tốt để tổ chức. Tùy thuộc vào năm sinh của cô dâu, chú rể mà thầy mo sẽ định ngày cũng như giờ để đưa dâu, nhận dâu; nhưng thường là giờ Dần, giờ Mão khi mặt trời vẫn chưa ló rạng.
Trong ngày tổ chức lễ cưới, từ 4h sáng mọi người tham gia đưa dâu đã tập trung tại nhà gái, chuẩn bị, sắp xếp quần áo, tư trang cần thiết của cô dâu khi về nhà chồng. Cô dâu mặc trang phục cưới truyền thống; đội lên đầu chiếc mũ rộng vành được tạo hình từ tre, bao bọc bởi vải thổ cẩm, cùng các quả bông nhiều màu sắc (màu đỏ là chủ đạo), nhằm che đi khuôn mặt của cô dâu trước khi làm lễ và được gặp mặt chú rể.
Sau khi đoàn đưa dâu đến cổng nhà trai, sẽ được đón bằng đội nhạc lễ của người Dao, gồm: Kèn, trống, chiêng, chũm chọe.
Đến nhà trai, đoàn đưa dâu sẽ phải đợi giờ tốt mới được vào nhà, thầy mo sẽ làm lễ cúng giải hạn cho cô dâu mới về nhằm cầu mong mọi chuyện thuận lợi, người nhà không ốm đau, bệnh tật, cây trồng, vật nuôi khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Khi đã làm lễ giải hạn cho cô dâu xong, thì mới lễ cưới chính thức, thầy cúng báo cáo tổ tiên, làm lễ giao bôi gắn kết cho chú rể và cô dâu.
Kết thúc lễ, cô dâu, chú rể sẽ đi từng bàn để mời nước, thuốc, rượu, thịt cho khách đã đến dự và chung vui. Sau khi mời xong, trong tiếng cười nói, chúc tụng của mọi người, cô dâu và chú rể sẽ đi từng bàn xin một chút rượu, một chút thịt. Đây được coi như đón nhận lời chúc phúc của mọi người đến cô dâu và chú rể.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, thay vì lựa chọn trang phục hiện đại, thì nhiều thanh niên dân tộc Dao đỏ ở Pa Tần trong ngày cưới, nghi lễ quan trọng của đời mình vẫn tổ chức đám cưới của mình theo nghi thức truyền thống. Chính điều này đã góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Hiện nay, nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi, trong đó có tỉnh Điện Biên đang triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tôc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trong đó có nội dung: Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một (các hình thức sinh hoạt văn hóa, tập quán xã hội, nhạc cụ, kiến trúc truyền thông, trang phục truyền thống, các môn thể thao truyền thống, tiếng nói, chữ viết và các giá trị khác văn hóa khác); đã mang đến những cơ hội mới để các địa phương bảo tồn, phục dựng văn hóa truyền thống; khai thác tiềm năng văn hóa, phát triển du lịch tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ của đồng bào các dân tộc đã bị mai một theo thời gian, nhưng những nghi lễ, nghi thức trong đám cưới cổ truyền vẫn được người Dao đỏ ở Điện Biên lưu truyền để giáo dục cho con cháu đời sau. Lễ cưới là một trong những sinh hoạt văn hoá truyền thống của người Dao đỏ, trong đó chứa đựng những giá trị về văn hoá, lịch sử.