Điều kiện học tập của học sinh các trường vùng cao ngày càng được nâng cao nhờ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nướcTrường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Trung học cơ sở Phìn Ngan, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai hiện có 249 học sinh với 8 lớp học (từ lớp 6 đến lớp 9); trường có hơn 99% học sinh là con em đồng bào DTTS. Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước điều kiện học tập của học sinh ở đây đã có rất nhiều chuyển biến tích cực.
Cô giáo Trần Thị Hướng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường phổ thông DTBT Trung học cơ sở Phìn Ngan đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020, trong những năm qua, thực hiện Nghị đinh 116/2016/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn ĐBKK, điều kiện học tập, ăn ở của các em học sinh được cải thiện rất nhiều. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò nhà trường.
Vừa qua, nhà trường được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát phổ biến về nội dung Nghị định 66/2025/NĐ-CP thay thế Nghị đinh 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ về "Quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách".
“Sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy đây là chính sách thiết thực của Đảng và Nhà nước với mục tiêu tiếp tục quan tâm, nâng cao điều kiện học tập cho con em vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhiều nội dung hỗ trợ học sinh có sự thay đổi, bổ sung hơn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ví dụ như với tiền thuốc cho các em học sinh thì Nghị định số 66/2025/NĐ-CP quy định 180 nghìn đồng/học sinh/năm học tức là tăng thêm 130 nghìn so với Nghị định 116/2016/NĐ-CP. Tương tự, đối với tiền hỗ trợ dụng cụ thể dục thể thao tăng từ 100 nghìn (Nghị định 116/2016/NĐ-CP) lên 180 nghìn đồng/học sinh/năm học…”, Bà Hướng làm rõ thêm.
Chất lượng dạy và học của hệ thống trường bán trú, nội trú trên địa bàn tỉnh Lào Cai không ngừng được nâng lênBao năm qua, Trường PTDTNT Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bảo Thắng là ngôi nhà chung của gần 500 em học sinh con em đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Thời gian qua, nhà trường đã và đang thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh theo Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thầy giáo Phùng Minh Thái, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc triển khai các chế độ, chính sách cho học sinh luôn được nhà trường thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy định của Nhà nước. Bữa ăn hàng ngày được nhà trường thực hiện niêm yết phiếu xuất, phiếu nhập thực phẩm và thực đơn bữa ăn trên bảng công khai của nhà trường, có đầy đủ chữ kí của Hiệu trưởng, kế toán, thủ kho,...
Các tổ chức đoàn thể, ban thanh tra Nhân dân của nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên giám sát, trao đổi trực tiếp với phụ huynh học sinh về việc thực hiện chế độ; thay đổi thực đơn bữa ăn hằng ngày phù hợp với khẩu vị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ dinh dưỡng cho học sinh.
“Chúng tôi rất phấn khởi khi vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP; trong đó, các em học sinh trường nội trú được bổ sung thêm rất nhiều chế độ trong quá trình học tập tại trường. Cụ thể như, đối với nội dung trang cấp đồ dùng cá nhân và học phẩm thì ngoài việc cấp chăn, màn, đồ dùng cá nhân khác, Nghị định số 66/2025/NĐ-CP bổ sung việc cấp 2 bộ quần áo đồng phục/học sinh/năm học (trước đây không có); các em học sinh được cấp 02 lần tiền tàu xe (cả đi và về) vào dịp Tết Nguyên đán và nghỉ Hè (trước đây chỉ được cấp 01 lần vào dịp Tết hoặc nghỉ Hè). Nghị định cũng quy định cụ thể mức kinh phí khám sức khỏe, lập tủ thuốc dùng chung cho khu nội trú là 270 nghìn đồng/học sinh/năm học; mỗi học sinh được cấp 15kg gạo/tháng và không quá 9 tháng/năm…”, Hiệu trưởng Phùng Minh Thái chia sẻ.
Nghị định số 66/2025/NĐ-CP có nội dung hỗ trợ 15kg gạo/tháng cho mỗi học sinh trường DTNTLà tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, với những chính sách đầu tư, hỗ trợ cho giáo dục nói chung, giáo dục vùng cao nói riêng; giáo dục Lào Cai đã và đang đạt được những kết quả tích cực.
Tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 tại thời điểm tháng 12/2024; Lào Cai cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi; 72% số trường của tỉnh đạt chuẩn quốc gia… Nghị định 66 được ban hành tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cho giáo dục vùng khó khăn; là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có giáo dục của tỉnh Lào Cai.