Tham dự Hội nghị có: ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT; ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Kon Tum; ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương; Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông; lãnh đạo và chuyên viên các sở, ngành, 10 huyện, thành phố và 165 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ của 82 xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2020, thiên tai diễn biến khốc liệt, dị thường ở các vùng miền cả nước. Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra trên 458 trận thiên tai, trong đó: 13 cơn bão trên biển Đông; 263 trận dông, lốc; 101 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 82 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại ĐBSCL.
Thiên tai đã làm 342 người chết, mất tích; trên 3.200 nhà sập, 280.700 nhà hư hại, tốc mái, 414.400 nhà bị ngập, 171.300 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 49.600 con gia súc, trên 3,3 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, 550km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 115km bờ biển, sông bị sạt lở; 881km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng... Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong gần 02 tháng (từ giữa tháng 9 đầu tháng 11), khu vực Trung bộ đã xảy ra 08 cơn bão (số 5 đến số 13) và 02 cơn ATNĐ đổ bộ; trong đó cơn bão số 9 là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua; trong tháng 10 có số lượng trong một tháng đạt kỷ lục với 04 cơn bão. Về lũ, các trận lũ lớn xuất hiện trên 16 tuyến sông chính tại khu vực miền Trung, trong đó có 04 tuyến sông chính đã vượt mốc lịch sử: sông Bồ (Thừa Thiên - Huế), sông Thạch Hãn, sông Hiếu (Quảng Trị) và sông Kiến Giang (Quảng Bình); các tuyến sông khác ở mức BĐ3 đến trên BĐ3 xấp xỉ 2m. Tình trạng ngập lụt đã xảy ra trên diên rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12 và 19/10, đã có trên 317 nghìn hộ/1,2 triệu nhân khẩu bị ngập lụt tại 07 tỉnh (từ Nghệ An đến Quảng Nam).
Đặc biệt, do mưa lớn kéo dài, kèm theo địa hình dốc đã gây ra sạt lở, lũ quét ở nhiều nơi; nghiêm trọng nhất tại thủy điện Rào Trăng 3, Trạm kiểm lâm số 67 (Phong Điền – TT. Huế); đoàn kinh tế 337 (Hướng Hóa – Quảng Trị); Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân, hàng chục cán bộ, chiến sĩ; phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng.
Đánh giá tại Hội nghị cho thấy, trong thời gian qua, nhất là đợt mưa lũ lịch sử tháng 10, tháng 11 năm nay, phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Lực lượng xung kích PCTT cơ sở đã mang theo loa di động, dùng xe máy đến khắp các địa bàn khu dân cư để phát đi bản tin cảnh báo bão và cách ứng phó trong trường hợp nguy hiểm. Lực lượng xung kích cơ sở cũng đã hỗ trợ, giúp người dân nhanh chóng sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh trường học, cơ sở y tế, thông tuyến các đoạn đường giao thông bị chia cắt...; tham gia cải tạo đồng ruộng, tái thiết sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân vùng bị thiên tai.
Từ thực tế thiệt hại do thiên tai và công tác PCTT trong thời gian qua, Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ về 03 nhóm vấn đề trọng tâm trong công tác phòng chống thiên tai ở cơ sở. Với những hướng dẫn, trao đổi cụ thể, sạt thực, trực tiếp vào những vấn đề còn khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác PCTT ở cơ sở, Hội nghị là cơ hội để cán bộ các địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã thảo luận, chia sẻ những cách làm hay, những bài học kinh nghiệm từ đó vận dụng trong công việc đáp ứng yêu cầu PCTT và xây dựng NTM an toàn trước thiên tai trong giai đoạn tới.