Báo cáo tại Hội thảo cho thấy: Những năm qua, công tác PBGDPL cho người dân tại các tỉnh có chung đường biên giới với Lào (gồm 10 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum) được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đạt được một số kết quả. Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các tỉnh và các sở, ngành đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, trao đổi, tọa đàm, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL tại các tỉnh vùng biên giới giáp Lào.
Hoạt động PBGDPL được triển khai dưới nhiều hình thức, trong đó có một số cách làm hiệu quả được chú trọng thực hiện, như: Tổ chức Hội nghị PBGDPL trực tiếp; tư vấn pháp luật, lồng ghép PBGDPL thông qua các lễ hội văn hóa, các buổi họp thôn, bản; khai thác tủ sách pháp luật tại các đồn biên phòng, trong nhà trường, trợ giúp pháp lý lưu động, đối thoại trực tiếp với Nhân dân; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật như: Cuộc thi “Sáng tác kịch bản tiểu phẩm pháp luật” thu hút 3.699 kịch bản dự thi; Cuộc thi “Sáng kiến, mô hình PBGDPL cho thành thiếu niên” thu hút 10.405 bài dự thi; Cuộc thi “Tìm hiểu một số quy định pháp luật về biên giới quốc gia và bảo vệ môi trường biển” thu hút 14.616 lượt người tham gia…
Theo đó đã có nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong công tác PBGDPL tại các địa phương, như: Mô hình “Cầu nối se duyên chống hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào Chứt” của BĐBP Hà Tĩnh; Mô hình “Tiếng kẻng phòng chống tội phạm biên giới” của BĐBP Hà Giang; Mô hình “Chung tay xóa nghèo pháp luật” của Sở Tư pháp Điện Biên…
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã có ý kiến tập trung làm rõ một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới. Cụ thể như: Cần phát huy hơn nữa vai trò Người có uy tín, báo cáo viên, tuyên truyền viên trong PBGDPL; Tăng cường lồng ghép công tác PBGDPL trong các lễ hội, các hoạt động giao lưu; đẩy mạnh việc PBGDPL trong các nhà trường. Hoạt động PBGDPL cần có các dẫn chứng, minh họa sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu; cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Giải quyết đồng bộ các chế độ, chính sách đối với người dân tại địa bàn có chung đường biên giới với Lào, đồng thời có chính sách tạo việc làm, đào tạo nghề, giúp người dân nâng cao đời sống kinh tế…
Đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự Hội thảo, ông Lê Vệ Quốc cho rằng: Trong thời gian tới, cần khai thác triệt để thế mạnh của BĐBP với nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong PBGDPL tại khu vực biên giới. Đẩy mạnh lồng ghép công tác PBGDPL với các hoạt động giao lưu văn hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó chia sẻ thông tin, cách làm hay về công tác PBGDPL. Củng cố lại đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; phát huy tốt vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào DTTS; xây dựng các bộ tài liệu phù hợp với ngôn ngữ, văn phong và văn hóa của đồng bào các DTTS khu vực biên giới Việt – Lào…