Tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm nhanh
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 28/1, đồng chí A Pớt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum đã phát biểu tham luận với chủ đề: “Đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS”. Đồng chí cho biết, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã ban hành và triển khai thực hiện chính sách đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn; trong đó tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Hạ tầng kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng hoàn thiện. Đến cuối năm 2020, có 98% đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa; 99,3% hộ gia đình sử dụng điện; 100% thôn có điện; trên 89% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,3%; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, bảo đảm đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; 100% huyện, thành phố có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân.
Việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS ngày càng toàn diện, có hiệu quả, đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 23,03% năm 2016 xuống còn 10,12% đến cuối năm 2020; trong đó tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm từ 41,39% năm 2016 xuống còn 24,93% cuối năm 2020. Công tác tư vấn, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS được chú trọng. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng DTTS từng bước được cải thiện và có nhiều chuyển biến tích cực. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, nhất là cấp xã. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS được khôi phục, bảo tồn và phát huy, trong đó chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống, nhà rông, văn hóa cồng chiêng của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh.
Vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của đồng bào DTTS được quan tâm giải quyết. Đã hỗ trợ đất ở cho 1.088 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 119 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 643 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 4.501 hộ; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 210 hộ có nhu cầu. Đồng thời, đã thực hiện tốt việc đào tạo nghề, hướng dẫn, hỗ trợ người dân áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất; nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đã được duy trì và phát triển rộng rãi trong sản xuất như: Thâm canh lúa, sắn, ngô, cao su; mô hình nhân giống và sản xuất các loại hoa, nuôi cá trên lòng hồ thủy điện… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn và bảo vệ môi trường, tạo việc làm, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong vùng đồng bào DTTS luôn được chú trọng; từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kết nạp được 5.853 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ lên 28.946 đảng viên, trong đó số đảng viên người DTTS tăng 16,03%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ là người DTTS được quan tâm; trong nhiệm kỳ, đã điều động, luân chuyển, bố trí sử dụng 56 cán bộ là người DTTS. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ là người DTTS, nhất là ở cơ sở ngày càng được củng cố, trưởng thành, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tình hình an ninh vùng đồng bào DTTS, nhất là an ninh biên giới, an ninh nông thôn cơ bản được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, niềm tin của đồng bào các DTTS với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố.
Tuy nhiên, đồng chí cho biết, đời sống của đồng bào các DTTS còn nhiều khó khăn, nhất là ở các thôn đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng tuy được chú trọng đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ; nhu cầu về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, nhất là khu vực có đông đồng bào DTTS còn cao; kinh tế tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; người dân chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh là vùng có rừng và đất rừng để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống; việc làm, lao động còn mang tính thời vụ, thu nhập thực tế thấp; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao; việc triển khai thực hiện một số chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020 còn có những khó khăn, bất cập; chuyển biến về nhận thức, tư tưởng của một bộ phận đồng bào DTTS còn chậm…
7 giải pháp ổn định và nâng cao đời sống đồng bào DTTS
Thay mặt Tỉnh ủy, đồng chí A Pớt đề xuất 7 giải pháp trọng tâm để nâng cao đời sống vùng đông đồng bào DTTS, gồm:
1. Tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho Nhân dân các DTTS về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại, qua đó góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.
2. Tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS; tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030… Giải quyết tốt vấn đề về đất đai và môi trường, bảo đảm 100% hộ đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường; có giải pháp thu hút đồng bào DTTS tham gia vào các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất…
3. Tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất về giáo dục; chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất lao động là người DTTS. Quan tâm đào tạo và cung ứng lao động DTTS làm việc trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tại các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động.
4. Tiếp tục đầu tư, củng cố mạng lưới y tế cấp xã; nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân tại vùng đồng bào DTTS. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS, như tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tục lệ phạt vạ, giết trâu, mổ bò nhân các dịp lễ, tết gây tốn kém... Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng trong Nhân dân.
5. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thiện cơ bản các thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; trong đó, tập trung bảo tồn các nghề truyền thống, nhà rông, văn hóa cồng chiêng. Xây dựng các hình thức hoạt động thể dục - thể thao quần chúng ở cấp cơ sở phù hợp với từng dân tộc, đối tượng và điều kiện cụ thể. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hệ thống viễn thông, phát thanh, truyền hình bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
6. Phát động và triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.
7. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết trong vùng đồng bào DTTS. Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng dân tộc và miền núi. Chủ động ngăn chặn các hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào các DTTS, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc. Thực hiện có hiệu quả hoạt động phòng, chống tội phạm, ngăn chặn các tệ nạn xã hội và hoạt động tôn giáo trái pháp luật, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, không để các đạo lạ, đạo trái pháp luật xâm nhập vào địa bàn.