Ông Lương Đình Việt, dân tộc Thái, Phó Chủ tịch huyện Con Cuông (Nghệ An):
Con Cuông là huyện có 127 thôn bản, với khoảng 72.000 người DTTS thuộc 9 dân tộc Thái, Kinh, Đan Lai, Nùng, Tày, Hoa, Mông… sinh sống. Trong nhiều năm qua, dù được Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm, nhưng đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Hiện nay, công tác xóa đói giảm nghèo chưa vững chắc, nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất cho đồng bào DTTS còn hạn chế, việc khai thác tiềm năng vào phát triển sản xuất đạt hiệu quả chưa cao… Hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trên khắp các trục đường làng, ngõ xóm, Nhân dân đã phấn khởi treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng nghiêm túc. Nhiều công trình, phần việc ý nghĩa chào mừng Đại hội đã được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân thực hiện có hiệu quả, trách nhiệm.
Hướng về Đại hội, đồng bào các DTTS ở Con Cuông rất tin tưởng, kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới sẽ có nhiều quyết sách, chủ trương đúng đắn, kịp thời trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là quyết sách trong lĩnh vực kinh tế hướng về đồng bào DTTS ở vùng miền núi, trong đó những quyết sách nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đưa vùng miền núi ngày càng phát triển. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong sẽ tiếp tục có thêm nhiều chủ trương, đường lối, giải pháp để gìn giữ, phát huy tốt hơn các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của đồng bào trước nguy cơ bị mai một.
Ông Cụt Xuân Ninh, dân tộc Khơ mú, Người có uy tín ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An):
Nhìn từ thực tế địa phương chúng tôi, đời sống đồng bào hiện nay vẫn còn nghèo và thiếu thốn. Theo tôi, những cái thiếu chung nhất của đồng bào, là thiếu kiến thức pháp luật, thiếu khoa học kỹ thuật và phương thức sản xuất, thiếu đất canh tác… Rất nhiều hộ sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng, từ làm rẫy, thu hái lâm sản phụ. Hệ lụy từ ma túy đã khiến bản làng tiêu điều, kẻ vào tù ra tội, con trẻ chịu phận mồ côi, bao gia đình tan nát… Những người già như chúng tôi nhìn cảnh ấy, không thể cầm được lòng, không thể yên tâm được.
Người dân chúng tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Cũng nhờ sự lãnh đạo đó, đời sống của người dân đã đổi thay hơn trước rất nhiều.
Chúng tôi nhận thấy, nhiều năm qua, những chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi là rất thiết thực, sát đúng, ý nghĩa, nhân văn. Do vậy, trong nhiệm kỳ lần này, đồng bào mong muốn, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo sát sao hơn, có những quyết sách nhân văn, sát thực tế hơn để từng bước nâng cao mức sống, nâng cao nhận thức, giảm tỷ lệ hộ nghèo…
Ông La Văn Linh, dân tộc Đan Lai, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An):
Những năm qua, từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được thực hiện, con em đồng bào Đan Lai được học hành tốt hơn; đồng bào được thụ hưởng nhiều chế độ, chính sách để cải thiện cuộc sống. Đồng bào biết ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm.
Tuy nhiên, từ bao đời nay, đồng bào Đan Lai sinh sống vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, nơi thượng nguồn Khe Khặng, cuộc sống vẫn còn thiếu thốn đủ bề khiến cho nhận thức, suy nghĩ của người dân còn hạn chế. Tỷ lệ hộ đói nghèo của đồng bào còn cao, giao thông cách trở, hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại, chưa thể giải quyết ngay ở vùng đồng bào dân tộc Đan Lai.
Từ Đại hội Đảng lần này, chúng tôi mong muốn, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, quan tâm nhiều hơn, để bà con tiếp tục nhận được các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm… từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông Lầu Bá Lầu, dân tộc Mông, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn (Nghệ An):
Vùng DTTS và miền núi Nghệ An còn rất khó khăn. Mức sống thấp, khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe của Nhân dân chưa được quan tâm đúng mức. Ở một số khu vực vùng sâu, vùng xa, vẫn còn tình trạng đồng bào mời thầy mo, thầy cúng về nhà khi ốm đau. Thậm chí nhiều nơi, tình trạng hôn nhân cận huyết thống còn diễn ra; công tác giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản… còn nhiều hạn chế.
Công tác tại huyện biên giới, tôi hiểu rất rõ, đời sống của người dân vùng miền núi khó khăn thế nào; họ cần và mong muốn gì trong việc bảo đảm sức khỏe, chữa trị bệnh tật khi đau ốm. Thực tế hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất khám chữa bệnh ở tuyến xã và tuyến huyện rất thiếu đã và đang ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.
Chúng tôi mong muốn, trong nhiệm kỳ tới sẽ được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn, có chính sách đầu tư hợp lí đến cơ sở vật chất y tế. Sự đầu tư kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm dành cho mạng lưới y tế cơ sở ở vùng miền núi sẽ có tác động rất lớn đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu của Nhân dân.